Đại tướng Võ Nguyên Giáp 'đấu trí' ở Tổng hành dinh

Những ngày Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện tài thao lược lớn, trí tuệ vị tướng lừng danh thế giới. Hằng ngày, Đại tướng phải xử lý cả 'núi' thông tin, điện khẩn từ Tổng hành dinh chỉ huy các chiến trường, theo nhịp độ quân đi thần tốc đến ngày toàn thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải) làm việc tại Tổng hành dinh. Ảnh: Tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải) làm việc tại Tổng hành dinh. Ảnh: Tư liệu

Chiếc giường của Tổng Tư lệnh

Tôi vào tham quan Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, bên trong còn nguyên vẹn những căn hầm, phòng làm việc của Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là Tổng hành dinh thời kỳ đánh Mỹ. Các hiện vật ở đây như đang “kể” lại những câu chuyện sâu sắc về tài thao lược, nghi binh, điều quân đánh bại đội quân viễn chinh nhà nghề Hoa Kỳ. Dưới lòng đất có phòng họp thường xuyên của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng để đưa ra những quyết định làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Trong căn phòng nhỏ, xung quanh đủ các loại bản đồ tác chiến trận địa chiến trường miền Nam Việt Nam, hệ thống đường vận tải Trường Sơn, chi chít màu đỏ, mũi tiến công của quân ta. Phía góc phòng có một chiếc giường nhỏ, cô thuyết minh Trung tâm Hoàng thành Thăng Long nói: “Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 vào giai đoạn căng thẳng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh cho để chiếc giường này ở phòng làm việc. Đại tướng ở lại Tổng hành dinh theo dõi sát chiến sự khắp các chiến trường và thông tin quốc tế”.

Quan sát kỹ chiếc giường gỗ của Tổng Tư lệnh nằm cũng nho nhỏ giống như giường của bao nhiêu chiến sĩ khác, có được chút nghỉ ngơi tại chỗ giúp Đại tướng phục hồi sức khỏe, đôi khi “lóe” lên biết bao nhiêu sách lược, cách đánh địch quan trọng để quân ta thắng lớn.

Chẳng hạn, cuối năm 1974, Bộ Chính trị họp thông qua bản Kế hoạch giải phóng miền Nam lần cuối, đồng thời cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam bí mật vào chiến trường chỉ huy Quân đội tại trận địa. Trước khi lên đường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi với Đại tướng Văn Tiến Dũng về tuân thủ ý đồ chiến lược của Bộ Chính trị và Tổng hành dinh đã vạch ra. Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Trị Thiên, phía Nam giữ địch ở đồng bằng sông Cửu Long. Kế sách này buộc địch phải điều động quân chủ lực ra hai đầu chiến tuyến ứng phó, tạo ra điểm “sơ hở” ở miền Trung và Tây Nguyên. Quân ta chọn đánh “đột phá khẩu” Buôn Ma Thuột, tạo ra rối loạn cả Tây Nguyên, tiến thẳng đánh chiếm các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Toàn bộ tập đoàn quân sự của đối phương bị “bẻ” làm đôi, tạo nên đột biến lớn ở chiến trường.

Thực hiện được ý đồ trên không hề dễ dàng chút nào, đòi hỏi người chỉ huy cao nhất của Quân đội có trí tuệ cao, nghệ thuật quân sự sáng tạo, từ công tác đảm bảo hậu cần trên phạm vi diện rộng đến mở đường nghi binh lừa địch, bí mật di chuyển những sư đoàn thiện chiến đến điểm “yết hầu” sẵn sàng chờ lệnh tấn công. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Nắm tình hình địch là trọng tâm công tác của cơ quan chiến lược. Tôi chỉ thị, mắc cho đồng chí Trưởng phòng 70 Cục Quân báo một máy điện thoại ở nhà riêng và dặn đồng chí thư ký, từ nay, khi nào có tin kỹ thuật thì dù tôi ở đâu, làm gì, ngay cả khi đang họp Bộ Chính trị, cũng phải báo ngay. Hằng ngày, cứ 4 giờ 30 phút sáng, phải gọi điện cho đồng chí Thanh (Trưởng phòng 70 Cục Quân báo) hỏi xem có tin tức gì mới trong đêm” [1].

Cùng một lúc, quân ta đánh chiếm nhiều mặt trận lớn, đòi hỏi Tổng Tư lệnh phải có một tâm trạng tỉnh táo, tập trung cao độ để điều động binh lực hợp lý, đối phó với vũ khí hiện đại của Mỹ. Như cách “cầm chân” địch ở chỗ nào, hoặc phải “điều” quân địch đến trận địa của ta đã giăng bẫy sẵn từ trước. Mặt khác, Đại tướng còn đưa ra những vấn đề chiến lược giúp Bộ Chính trị quyết định mang tính bước ngoặt thời cơ lớn. Hội nghị Bộ Chính trị họp ngày 18/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị Bộ Chính trị quyết định và huy động tổng lực giải phóng miền Nam trước mùa khô năm 1975, không chờ sang năm 1976 như kế hoạch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ: “Tôi định đi ngay vào Vĩnh Linh, ở đó sẽ mời anh Lê Tự Đồng, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên ra bàn chủ trương và kế hoạch tác chiến. Trực thăng đã sẵn sàng. Thế nhưng cân nhắc kỹ, thấy rằng trong lúc tình hình các chiến trường phát triển nhanh quá, tôi cần có mặt tại Tổng hành dinh; hơn nữa, mặc dù đi bằng máy bay, nhưng tính toán thời gian không kịp về họp Bộ Chính trị, lại vừa có tin địch rút khỏi Pleiku - Kon Tum, nên cuối cùng tôi quyết định không đi nữa” [2].

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa”

Hằng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành nhiều thời gian nghiên cứu, theo dõi trên các loại bản đồ chiến sự, điều đặc biệt là phân tích các bức điện mật từ chiến trường gửi ra, rồi ra mệnh lệnh tiến công mới được gửi đến từng mặt trận. Chẳng hạn, Tây Nguyên vừa mới giải phóng, mũi tiến công của các sư đoàn chủ lực về phía Nam, mũi tiến công về phía Đông đánh chiếm vùng ven biển, mũi tiến công từ phía Bắc vào giải phóng Huế, Đà Nẵng. Cùng một lúc phải huy động hàng vạn người dân, chiến sĩ và xe ô tô, phương tiện kỹ thuật, pháo, xe tăng, máy bay, tàu thủy... tham gia chiến đấu cường độ cao.

Trước khí thế quân ta tiến công nhanh đến nỗi “quân đi không kịp vẽ bản đồ”, ngày 7/4/1975, từ Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tự tay viết điện gửi mệnh lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường:

“1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.

2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” [3].

Bức điện chỉ vỏn vẹn có 40 từ, nhưng được viết ra bằng cả cảm xúc cao nhất, quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa, thúc giục cả đạo quân tiến công dũng mãnh. Chấp hành triệt để lệnh của chỉ huy, những mũi tiến công quân chủ lực của ta từng bước phá vỡ phòng tuyến từ xa, khép chặt vòng vây đô thành Sài Gòn.

Sau ngày giải phóng 30/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt ở Sài Gòn, đến thăm các đơn vị đang bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Trương Đình Giữ, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 316 kể lại kỷ niệm cách đây 50 năm: “Chúng tôi được phân công đứng ngoài chào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi Đại tướng đến yêu cầu chỉ huy đơn vị cho bộ đội vào phòng ngồi, không đứng ngoài nắng. Mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh đưa ra, cho bộ đội nghỉ làm việc, dành thời gian viết thư gửi về gia đình, Bộ Quốc phòng cho máy bay trực thăng chở thư về các quân khu để quân bưu chuyển đến gia đình nhanh nhất”.

Thư của ông Giữ được gửi về đúng địa chỉ gia đình ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. “Ba tôi nhận được thư, biết con còn sống, mừng lắm, nhà nghèo chỉ đủ tiền mua được một chai rượu trắng, chạy đi mời bà con trong xóm đến uống mỗi người một chén, coi như ăn mừng. Tôi đã cùng đơn vị thần tốc hành quân từ Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An vào tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, tiến đánh vào phòng tuyến Xuân Lộc, ngày 30/4/1975 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, còn sống là may mắn hơn hàng vạn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở khắp các chiến trường” - ông Giữ xúc động nhớ lại.

[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2000, trang 201.

[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2000, trang 221.

[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2000, trang 286.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-dau-tri-o-tong-hanh-dinh-post488466.html