Đại sứ quán Nhật Bản, UNICEF và IOM đến thăm vùng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi tại tỉnh Cao Bằng
Ngài Ito Naoki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và đoàn công tác của Đại sứ quán Nhật Bản, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa kết thúc chuyến thăm tỉnh Cao Bằng nhằm đánh giá những thành tựu và tiến độ của các nỗ lực cứu trợ do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Đây là các hoạt động trong khuôn khổ dự án đang triển khai với tổng ngân sách hỗ trợ khẩn cấp trị giá 2 triệu USD do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua UNICEF và IOM nhằm hỗ trợ trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi (tháng 9-2024) tại Việt Nam.
Chương trình hỗ trợ khẩn cấp này kéo dài từ năm 2024 đến năm 2025, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ và IOM, UNICEF phối hợp cùng các đối tác trung ương và địa phương của Việt Nam thực hiện. Sáng kiến này cung cấp các dịch vụ thiết yếu về nước sạch, vệ sinh, môi trường và bảo vệ trẻ em thông qua UNICEF Việt Nam, mang lại lợi ích cho hơn 21.000 người dân. Đồng thời, IOM Việt Nam triển khai xây dựng các nhà tránh trú cộng đồng và cung cấp các hàng hóa phi thực phẩm cho gần 17.000 người tại Cao Bằng và các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề khác bởi bão.

Ngài Ito Naoki, Đại sứ Nhật Bản và bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện UNICEF trao tặng tượng trưng thiết bị nước sạch, vệ sinh và phòng tư vấn học đường tại xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: THANH HƯƠNG
Đại sứ Ito Naoki chia sẻ: “Tôi hài lòng khi được chứng kiến tác động thiết thực của hỗ trợ nhân đạo, góp phần định hướng lộ trình phục hồi thông qua các đối tác uy tín như IOM và UNICEF. Dưới góc độ phòng ngừa rủi ro thiên tai, chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để cùng hiện thực hóa tầm nhìn về một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và kiên cường”.
Trong chuyến thăm đoàn công tác đã lắng nghe ý kiến của người dân bị ảnh hưởng về tiến độ dự án, làm việc với chính quyền địa phương, khảo sát hiện trường dự án và tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và bảo vệ trẻ em.

Ngài Ito Naoki, Đại sứ Nhật Bản cùng phu nhân chụp ảnh với giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Kim Cúc, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc. Ảnh: THANH HƯƠNG
Đến thăm xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc), đoàn đã tận mắt chứng kiến tác động của thiên tai tới cuộc sống của người dân, đồng thời ghi nhận những kết quả của UNICEF trong việc cải thiện tiếp cận nước sạch, vệ sinh, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ và trẻ em. Tại Trường Tiểu học Kim Cúc đoàn đã cùng các em học sinh tham gia hoạt động nâng cao nhận thức về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua vẽ tranh và trò chơi dân gian. Ngoài ra, đoàn cũng đến thăm phòng tư vấn tâm lý do UNICEF hỗ trợ cho học sinh.
“Chúng tôi chân thành cảm ơn Chính phủ Nhật Bản vì sự hợp tác bền chặt với UNICEF. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp đỡ trẻ em và các gia đình dễ bị tổn thương tại Cao Bằng – nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bão Yagi. UNICEF cam kết tiếp tục thúc đẩy công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai, xây dựng hạ tầng thích ứng với khí hậu và tăng cường bảo vệ trẻ em, cùng với các hoạt động can thiệp khẩn cấp - bao gồm cung cấp hàng viện trợ nhân đạo, nâng cao năng lực và hỗ trợ sức khỏe tâm thần, đây là những yếu tố quan trọng cho sứ mệnh của chúng tôi”, bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ.

Các đại biểu cùng học sinh Trường Tiểu học Kim Cúc, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: THANH HƯƠNG
Đoàn cũng tham dự lễ khởi công xây dựng nhà tránh trú cộng đồng với điều kiện cơ sở vật chất an toàn và kiên cố hơn tại xã Đình Phùng (huyện Bảo Lạc) – một trong những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi bão. Dự án này do IOM thực hiện với nguồn tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản, nhằm đáp ứng nhu cầu của hơn 3.000 người dân – đặc biệt là trẻ em và các gia đình – về việc sơ tán tạm thời trong trường hợp khẩn cấp, qua đó nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai trong tương lai.
Bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn IOM Việt Nam cho biết: “Ngoài việc phân phát các vật dụng cứu hộ cứu nạn, dự án còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc tự bảo vệ bản thân trước, trong và sau mùa bão lũ. Cùng với việc xây dựng các nhà tránh trú cộng đồng, cách tiếp cận toàn diện này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho quá trình phục hồi. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa tầm nhìn chung về một cộng đồng Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và bền bỉ”.