Đại học Stanford xin lỗi

Cộng đồng sinh viên Do Thái ở Đại học Stanford đánh giá cao hành động và lời xin lỗi của nhà trường về những lỗi lầm trong quá khứ.

Ngày 12/10, Đại học Stanford xin lỗi vì hạn chế tuyển sinh viên Do Thái trong những năm 1950. Đồng thời, trường phủ nhận việc áp dụng những động thái tương tự vào các năm sau đó.

Theo CNN, Stanford xin lỗi sau khi lực lượng biệt phái của trường đã hoàn thành một báo cáo dựa trên dữ liệu lưu trữ. Những dữ liệu này cho thấy trường đại học 131 năm tuổi đã có những hành động để ngăn cản việc nhận sinh viên Do Thái vào học.

"Thay mặt cho Đại học Stanford, tôi muốn gửi lời xin lỗi đến cộng đồng người Do Thái và toàn bộ sinh viên trong trường. Chúng tôi xin lỗi về những hành động được nêu trong báo cáo và cả việc nhà trường đã phủ nhận điều đó. Chúng tôi đã sai vì những hành động này đã gây tổn hại lớn", Chủ tịch Đại học Stanford Marc Tessier-Lavigne viết trong thư gửi cộng đồng trường.

 Chủ tịch ĐH Stanford Marc Tessier-Lavigne viết thư xin lỗi sau khi cuộc điều tra có kết quả. Ảnh: STANFORD magazine.

Chủ tịch ĐH Stanford Marc Tessier-Lavigne viết thư xin lỗi sau khi cuộc điều tra có kết quả. Ảnh: STANFORD magazine.

Theo ông Tessier-Lavigne, báo cáo trên là một phần trong những nỗ lực của Đại học Stanford nhằm đối mặt với lịch sử của trường, bao gồm việc đổi tên một số tòa nhà và con đường trong khuôn viên trường trong những năm gần đây.

Nhà trường sẽ thừa nhận và xin lỗi, đồng thời tìm hiểu, giáo dục và thực hiện các khuyến nghị do lực lượng biệt phái đưa ra để giải quyết vấn đề.

"Góc tối" trong lịch sử Stanford

Báo cáo của lực lượng biệt phái đề cập một bản ghi năm 1953 của các nhà quản lý trường thời đó - những người bày tỏ sự lo ngại về số lượng sinh viên người Do Thái được nhận vào Đại học Stanford.

Báo cáo cũng nêu rằng số lượng học sinh trường Trung học Beverly Hills High và trường Trung học Fairfax (hai trường đông học sinh Do Thái) đăng ký vào Đại học Stanford cũng giảm mạnh.

Khi những người Do Thái ở California lan truyền tin đồn có thể Stanford đang hạn chế chỉ tiêu chấp nhận sinh viên Do Thái, ban lãnh đạo trường đã phủ nhận điều đó.

"Ban lãnh đạo Stanford khẳng định trường không đặt ra 'chỉ tiêu' về việc tuyển sinh, trong khi thực tế là các thành viên trong ban quản trị đã cho phép giám đốc tuyển sinh ra tay để hạn chế số lượng sinh viên Do Thái được nhận vào trường", báo cáo nêu.

Thầy Tessier-Lavigne nói rằng các lãnh đạo của trường không rõ hoạt động ngăn chặn này đã kéo dài bao lâu và có lan rộng sang các trường khác hay không. Tuy nhiên, báo cáo này đã nói lên một vấn đề là việc ngăn chặn đã có tác động lâu dài và khiến một số học sinh Do Thái không còn muốn nộp đơn vào trường.

"Việc này đã trở thành một phần xấu xí trong lịch sử của Đại học Stanford. Là một trường đại học, chúng ta cần phải thừa nhận điều này và đối diện với chúng để cố gắng làm việc tốt hơn", chủ tịch nói.

Trong một tuyên bố, các chủ tịch của hội sinh viên Do Thái tại Đại học Stanford cho biết họ rất thất vọng về những điều nhà trường đã làm trong quá khứ. Tuy nhiên, hội sinh viên cũng đánh giá cao việc trường đã cho phép điều tra và đưa ra lời xin lỗi thỏa đáng.

"Chúng tôi hy vọng báo cáo này của Stanford sẽ giúp trường và các tổ chức khác nhìn nhận sự đa dạng, công bằng và hòa nhập một cách toàn diện hơn. Đây sẽ là một bước đi tích cực cho cộng đồng", đại diện hội sinh viên Do Thái ở Đại học Stanford nói.

Những tác động kéo dài hàng thập kỷ

Báo cáo nói rằng việc ngăn chặn sinh viên Do Thái chỉ là một hành động có giới hạn trong những năm 1950, nhưng điều này đã có tác động sâu rộng đến quy mô, số lượng sinh viên Do Thái học tập tại Đại học Stanford. Đồng thời, danh tiếng của trường trong cộng đồng người Do Thái ở California cũng bị sụt giảm đáng kể.

Trường Trung học Beverly Hills High và trường Trung học Fairfax là hai trường thể hiện sự tác động rõ rệt nhất. Sau vụ việc năm 1953, số lượng học sinh của hai trường ghi danh vào Stanford giảm mạnh.

Báo cáo nói thêm rằng hành động ngăn chặn của Đại học Stanford đã để lại tác động kéo dài hàng nhiều thập kỷ, phần lớn xuất phát từ việc người Do Thái ở nam California truyền tai nhau về việc nhà trường đang hạn chế chỉ tiêu chấp nhận sinh viên Do Thái.

Sau khi Chủ tịch Marc Tessier-Lavigne xin lỗi, Giáo sĩ Jessica Kirschner đã gửi một lá thư tới một tổ chức sinh viên Do Thái để ca ngợi Stanford vì đã dũng cảm làm báo cáo và xin lỗi sau khi phát hiện những điều xấu xí trong lịch sử.

"Thay mặt cho cộng đồng người Do Thái ở Stanford, tôi muốn coi lời xin lỗi của ông Tessier-Lavigne như một ví dụ điển hình về sự hối lỗi của nhà trường. Nhà trường đã thừa nhận những hành vi sai trái trong quá khứ và cam kết rõ ràng để đảm bảo sinh viên được hỗ trợ và không bị phân biệt đối xử hay thiên vị. Đây là điều chúng tôi muốn tất cả sinh viên trong cộng đồng Stanford có được", bà Jessica nói.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-hoc-stanford-xin-loi-post1365122.html