Đại học Kinh tế quốc dân công bố ấn phẩm báo cáo kinh tế thường niên
Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2024.
Hoạt động công bố ấn phẩm này nằm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia: "Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới”, do Đại học Kinh tế Quốc dân vừa phối hợp với Ban Chính sách chiến lược Trung ương và Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tổ chức.
Báo cáo chính được cấu trúc thành ba phần. Phần I (Kinh tế Việt Nam năm 2024) nghiên cứu về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2024.
Phần II (Đánh giá thể chế kinh tế Việt Nam) có mục tiêu đánh giá thực trạng thể chế kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Phần này bao gồm: khái niệm thể chế kinh tế; thực trạng hệ thống pháp luật kinh tế và thực trạng bộ máy nhà nước hỗ trợ kinh tế thị trường.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân đồng chủ biên ấn phẩm.
Phần III (Triển vọng kinh tế năm 2025 và Khuyến nghị chính sách) trình bày triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2025; đồng thời dựa trên các kết quả nghiên cứu ở Phần I và Phần II, đưa ra các khuyến nghị chính sách vĩ mô nói chung và các chính sách thúc đẩy cải cách thể chế trong bối cảnh mới.
Là đồng chủ biên ấn phẩm, GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, năm 2024, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức: chính sách tiền tệ thắt chặt và tình trạng nợ công dai dẳng tại nhiều quốc gia đang phát triển.
Bất ổn địa chính trị tiếp diễn tại một số khu vực như Trung Đông và Ukraina, sự thay đổi về bộ máy chính phủ tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Tuy vậy, việc lạm phát hạ nhiệt tại hầu hết các quốc gia lớn đã tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới dần chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Theo GS Chương, năm 2024 có thể coi là một năm sôi động với nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Khu vực kinh tế thực cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 7,09%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% mà Chính phủ đã đề ra, cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực.

Toàn cảnh hội thảo.
Ông đánh giá ở khu vực đối ngoại, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa ước đạt tới 786,29 tỉ USD, tương đương khoảng 165% GDP. Trong đó, khu vực FDI tiếp tục lấn át khu vực trong nước với 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế còn chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp nội địa trong nước còn gặp khó khăn, không tạo ra được sự liên kết với khu vực FDI để từ đó tham ra sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Ông kỳ vọng những phân tích, đánh giá của các nhà khoa học, đại diện các Bộ, Ban, Ngành, các hiệp hội và doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực. Nhiều kiến nghị sẽ được chắt lọc để gửi đến Quốc hội và Chính phủ về định hướng chính sách và giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh mới.