Đại biểu Quốc hội: Vụ cháy làm chết 14 người ở trọ là rất thương tâm

Nhìn lại thực tế thời gian qua, đại biểu Quốc hội cho rằng, đã nói rất nhiều về các vụ cháy và nguy cơ xảy ra cháy ở các khu nhà trọ cho thuê, chung cư mini ở các đô thị lớn, trong đó có TP Hà Nội và TPHCM. Những vụ cháy ở đô thị thường để lại hậu quả lớn và thương tâm, thiệt hại về người và tài sản rất lớn.

Liên quan đến vụ cháy nhà trọ tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) làm chết 14 người, phóng viên Báo SGGP trao đổi với một số đại biểu Quốc hội về những cảnh báo, giải pháp phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chia sẻ vụ cháy rất thương tâm và đau buồn khi có 14 người chết. Nhìn lại thực tế thời gian qua, ĐB cho rằng đã nói rất nhiều đến các vụ cháy và nguy cơ xảy ra cháy ở các khu nhà trọ cho thuê, chung cư mini ở các đô thị lớn, trong đó có TP Hà Nội và TPHCM. Những vụ cháy ở đô thị thường để lại hậu quả lớn và thương tâm, thiệt hại về người và tài sản rất lớn.

 ĐB Nguyễn Thị Việt Nga

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga

“Chúng ta đã đề ra rất nhiều giải pháp để hạn chế được đến mức thấp nhất thiệt hại trong các vụ cháy, đặc biệt là ở trong các khu dân cư có độ nén lớn. Nhưng những vụ cháy gây thiệt hại lớn vừa qua là một kết cục rất đau buồn”, ĐB đặt vấn đề về tính hiệu quả của các giải pháp phòng cháy, chữa cháy.

Trong nhiều giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong các vụ cháy, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm đến giải pháp có liên quan đến một loạt các luật của Quốc hội vừa mới thông qua tại kỳ họp thứ 6.

“Đấy chính là vấn đề trong khi phát triển nhà ở xã hội, chúng ta quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê. Bởi theo kết quả khảo sát, giám sát hiện nay, dù đã hưởng rất nhiều ưu đãi nhưng khu vực nhà ở xã hội có giá thành vẫn khá cao so với thu nhập của người lao động có thu nhập trung bình, thấp ở các đô thị lớn”, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

ĐB dẫn chứng, như tỉnh Hải Dương, giá nhà ở xã hội giao động từ khoảng 14 triệu đồng/m2. Như vậy với một căn chung cư có diện tích khoảng 50m2 thì người lao động cũng bỏ ra một số tiền rất lớn mới sở hữu được. Số tiền này vượt quá khả năng chi trả của người lao động.

Qua giám sát, ĐB cho biết có rất nhiều người lao động phản ảnh với mức lương hiện nay, họ chỉ đủ sống ở các đô thị chứ không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể tài sản để mua nhà ở nhà xã hội.

“Vậy thì làm sao, người lao động có ít nhất từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng để mua một căn nhà ở xã hội. Đấy là điều không tưởng”, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nói và cho biết, đa phần nguyện vọng của người lao động có thu nhập trung bình, thấp ở các đô thị lớn, họ mong muốn được sở hữu một căn nhà ở xã hội không phải dưới dạng mua, mua trả góp mà dưới dạng trả tiền thuê hàng tháng.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc này để người lao động có thu nhập thấp có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nhà ở xã hội” ĐB kiến nghị và nhận định, khi nhà ở xã hội được hình thành thì chắc chắn chúng ta đáp ứng được rất nhiều các tiêu chí an toàn, điều kiện về phòng cháy, chữa cháy đảm bảo an toàn. “Đây là một trong những giải pháp mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới”, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Chính quyền cơ sở cần mạnh tay hơn

Cùng quan tâm đến giải pháp phòng cháy, chữa cháy ở các khu nhà trọ, nhà cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh ở các đô thị lớn, ĐB Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, những loại hình nhà trọ nếu cháy thì khả năng xảy ra chết người là rất cao.

 ĐB Trịnh Xuân An

ĐB Trịnh Xuân An

“Đêm hôm qua, cháy khu nhà trọ ở quận Cầu Giấy là rất thương tâm”, ĐB nói và cho rằng, chúng ta có các quy định pháp luật, có chỉ đạo, có giải pháp và có cả việc rút kinh nghiệm nhưng nguy cơ cháy ở các loại hình nhà ở, nhất là nhà trọ, nhà cho thuê vẫn luôn có thể xảy ra ở bất cứ khi nào nếu không có giải pháp căn cơ và cảnh giác cao trong phòng chống cháy nổ.

ĐB Trịnh Xuân An nhìn nhận, đặc thù nhà ở, khu dân cư ở các đô thị lớn có nguy cơ cháy nổ cao, gây khó khăn khi chữa cháy, cứu hộ. Về giải pháp, ĐB cho rằng, các giải pháp cần mang tính đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng, trong đó là việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để người dân, người lao động có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở.

Dù vậy, ĐB đánh giá giải pháp này chưa thực sự mang lại hiệu quả bởi trong quá trình triển khai vẫn còn khiêm tốn, số nhà ở xã hội được xây dựng khá khiêm tốn, chưa nhiều. Cho nên người dân, người lao động có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội. “Giải pháp xây nhà ở xã hội cho thuê chỉ mới là ý tưởng, chúng ta chưa triển khai được cho nên người dân không có sự lựa chọn nào khác”, ĐB nêu thực tế.

Vì vậy, ĐB Trịnh Xuân An cho rằng, giải pháp trước mắt đó là nâng cao cảnh giác, phòng cháy nổ là rất quan trọng. Cùng với đó, vai trò của chính quyền địa phương, lực lượng chuyên trách phòng cháy, chữa cháy... tăng cường bám sát cơ sở, vận động, tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, phòng chống cháy nổ.

“Về lâu dài, xây dựng thêm nhiều nhà ở xã hội để giảm dần câu chuyện thuê nhà trọ tự phát như hiện nay, không đảm bảo về phòng chống cháy nổ”, ĐB nhận định.

 Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ cháy, đưa các nạn nhân đi cấp cứu

Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ cháy, đưa các nạn nhân đi cấp cứu

Giải pháp tiếp theo, ĐB cho rằng, ở TP Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn khác trong cả nước có đông công nhân, người lao động, chính quyền và cơ quan quản lý cần rà soát tất cả các dạng nhà ở, nhà cho thuê. Đồng thời trang bị cho các loại hình nhà ở này các phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; hướng dẫn bố trí lối đi, cầu thang thoát hiểm.

“Tôi cho rằng, chính quyền cơ sở cần mạnh tay hơn nếu trong quá trình rà soát các loại hình nhà ở này không đảm bảo phòng chống cháy nổ, kiên quyết yêu cầu người dân tháo gỡ các vật cản ở lối thoát, thiết kế thêm lối thoát hiểm”, ĐB Trịnh Xuân An đề nghị.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Vì vậy, ĐB Trịnh Xuân An cho rằng, tới đây quy định này cần phải quy định chi tiết, cụ thể hơn đối với nhà ở kết hợp kinh doanh để có giải pháp phòng ngừa, ngăn cháy nổ.

Trước đó, sáng 24-5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân trong vụ cháy nhà trọ tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) vào tối qua làm chết 14 người.

Ngay trong sáng 24-5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến hiện trường và đi thăm, chia buồn với gia đình các nạn nhân. Đồng thời đã thăm hỏi nạn nhân vụ cháy đang được điều trị tại bệnh viện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Quốc hội đã đề nghị Bộ Công an, UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan có liên quan nhanh chóng chỉ đạo khắc phục hậu quả, chăm lo cứu chữa cho những người bị thương trong vụ cháy. Đồng thời kịp thời đưa gia đình người bị nạn sớm ổn định tình hình và bảo đảm cuộc sống.

“Đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan, các lực lượng chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên cả nước. Đồng thời, hướng dẫn và thông tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời, không để xảy ra cháy nổ”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-vu-chay-lam-chet-14-nguoi-o-tro-la-rat-thuong-tam-post741367.html