Đại biểu Quốc hội trăn trở tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả đối với tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Trong bối cảnh bình thường không cho phép lợi dụng pháp luật

Thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023", đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá, sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, sự cố gắng của mỗi người dân và doanh nghiệp, đã đạt được kết quả không thể phủ nhận và đáng trân trọng.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai thảo luận tại hội trường.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai thảo luận tại hội trường.

Một số bài học cần được rút ra là, tính kịp thời trong tổ chức thực hiện - đây là yêu cầu quan trọng nhất, xuyên suốt nghị quyết trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra; bài học về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý cũng có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống như: chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại, chính sách hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển du lịch hay việc sử dụng Quỹ viễn thông công ích...

"Nếu có thể làm lại, cá nhân tôi cho rằng, rất cần có trọng tâm trọng điểm, chúng ta không cần nhiều chính sách, nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt là cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì", bà nhấn mạnh.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đồng tình với đề xuất của Chính phủ về tiếp tục kéo dài thời hạn giải ngân đối với một số dự án thuộc Chương trình phục hồi KTXH đến hết năm 2025, bởi trong số 272 dự án thuộc Chương trình, có tới 107 dự án tỷ lệ giải ngân dưới 50%. "Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, đây cũng là bài toán cần xem xét thận trọng", nữ ĐBQH lý giải. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan có thể hủy dự toán; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường với các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường với các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Về các cơ chế đặc thù, tại Nghị quyết 43, trong một bối cảnh đặc biệt đã có những chính sách đặc biệt và qua giám sát cho thấy nhiều chính sách cũng phát huy tác dụng tốt có thể nhân rộng để áp dụng rộng rãi, như: đơn giản hóa thủ tục trong khai thác mỏ hay đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi đất rừng đối với các dự án quan trọng quốc gia.

"Tuy nhiên, với cơ chế chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh để đảm bảo tính kịp thời. Còn trong bối cảnh bình thường cần áp dụng các quy định chung của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, không cho phép lợi dụng pháp luật" - ĐBQH Đoàn TP Hà Nội nêu quan điểm.

Đề xuất kéo dài giảm thuế VAT, xem xét thuế thu nhập cá nhân

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ quan ngại về một nhóm nguyên nhân mà báo cáo giám sát chỉ ra, đó là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. "Để ngăn chặn nạn dịch né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại thì các cấp, các ngành cần chỉ ra và thực thi kỷ luật những ai đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân có tinh thần dám làm, dám chịu", ông góp ý.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại hội trường.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại hội trường.

Cũng đề cập tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến việc giải quyết công việc chưa hiệu quả, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là yếu tố con người, bởi con người là chủ thể đề xuất, ban hành chính sách, và cũng chính con người thực thi và triển khai chính sách trong thực tế. "Con người là yếu tố quyết định chính sách thành công hay không".

Theo ông, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến. "Có phải chúng ta chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ, công chức, hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung? Theo tôi là không phải. Chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; chúng ta đã có Kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Vậy thì từ nguyên nhân nào?", đại biểu trăn trở.

Từ đó, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả, trong đó có việc khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 73 từ khi ban hành cho đến nay; có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng. Còn nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc các địa phương, đơn vị chưa áp dụng thì cần có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng trên.

Quang cảnh hội trường.

Quang cảnh hội trường.

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế mà báo cáo chỉ ra có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt. "Các văn bản hướng dẫn phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm", ông nói.

Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT 2%, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đề nghị cần tiếp tục các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, xem xét tiếp tục giảm một số thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu. "Trên thực tế việc giảm thuế và phí 2 năm qua nhưng tổng thu ngân sách vẫn hầu như không ảnh hưởng", nữ đại biểu đánh giá cao Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến Luật Thuế giá trị gia tăng tại Kỳ họp thứ 7, đồng thời kiến nghị xem xét chính sách thuế về thu nhập cá nhân để kích thích thị trường tiêu dùng, xem xét mức giảm trừ gia cảnh...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-tran-tro-tinh-trang-can-bo-dun-day-ne-tranh-so-sai-so-trach-nhiem-i732318/