Đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức: Nghiên cứu khả năng xây dựng một chương trình phục hồi kinh tế mới trong giai đoạn tiếp theo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề 'việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023'. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Thảo luận tại hội trường, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức bày tỏ thống nhất cao với báo cáo kết quả giám sát, khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là phù hợp với thực tế. Hầu hết các chính sách được ban hành kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch cấp bách, được người dân hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, đồng bộ và tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương khi ban hành chính sách cần bảo đảm tính rõ ràng và tính khả thi, tránh sự chồng chéo dẫn đến việc nhiều bộ, ngành, địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn hoặc gây thêm chi phí về thời gian, tài chính không cần thiết.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Đại biểu cho rằng, những cách hiểu còn tương đối thận trọng với Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh dẫn đến việc triển khai rất chậm gói hỗ trợ lãi suất này. Cụ thể, khi xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, gây khó khăn cho việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất. Về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất quy định: “khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại” còn chung chung, mang tính chất chủ quan của phía thẩm định ngân hàng. Chỉ rõ một số vướng mắc, hạn chế trong thực hiện chính sách, đây là những nội dung cần đánh giá kỹ, rút kinh nghiệm trong nghiên cứu, dự báo, đề xuất chính sách và tổ chức thực hiện chính sách.

Theo đại biểu, nguồn vốn phục hồi kinh tế ngân sách Trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao, gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo. Thời gian các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn lựa chọn, thẩm định, trình duyệt 3 dự án phục hồi kinh tế tỉnh, trải qua thời gian tương đối dài (tỉnh Cao Bằng đề xuất từ tháng 3/2022 - 3/2023 mới được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn đủ 3 dự án phục hồi kinh tế của tỉnh) nên thời gian đủ điều kiện để triển khai nguồn vốn đầu tư từ chương trình này bị kéo dài, dẫn đến chậm được giải ngân. Đề nghị Quốc hội đánh giá đầy đủ, khoa học, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học về quá trình tổ chức thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 43/2022/QH15, dư địa tài khóa, tiền tệ hiện nay. Trên cơ sở đó để nghiên cứu khả năng xây dựng chương trình phục hồi kinh tế mới cho giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội được kỳ vọng là một chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện giải pháp giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng không áp dụng chung cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% mà đưa ra danh mục loại trừ hàng chục trang, với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu phụ lục của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP và Nghị định số 44/2023/NĐ-CP nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Do đó, để chính sách phát huy tối đa hiệu quả, các bộ, ngành cần xác định cụ thể mã ngành nào được giảm và không được giảm để việc triển khai thực hiện thuận lợi hơn.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các giải pháp trong báo cáo giám sát đề ra và đặc biệt chú trọng phân bổ hợp lý cho công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, phổ biến chính sách của Nhà nước đối với các khoản vay, món vay ưu đãi để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận thông tin, tiếp cận vốn vay; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xác định, kê khai, thực hiện miễn, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng thuận lợi, kịp thời. Mặt khác, phân bổ ngân sách cần hợp lý hơn và có một cơ chế thể hiện rõ ràng, đồng bộ trong các văn bản pháp lý để hiện thực hóa và triển khai hiệu quả về vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương, để địa phương được linh hoạt sử dụng kinh phí vào những điều cấp thiết, phù hợp với đặc thù trên nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm.

Lê Điệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-be-minh-duc-nghien-cuu-kha-nang-xay-dung-mot-chuong-trinh-phuc-hoi-kinh-te-mo-3169480.html