Đại biểu Quốc hội thảo luận về quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam
Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam là đủ, không cần nói là 'trực thuộc'
Sáng 14-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Các đại biểu đã phát biểu và tranh luận về quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.

Đại biểu Lê Xuân Thân phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) cho biết thống nhất hoàn toàn với việc sửa đổi, bổ sung tại khoản 2, Điều 9 Hiến pháp năm 2013, khi quy định: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Đồng thời, đại biểu cũng tán thành việc sửa đổi quyền đề nghị lập pháp của các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương tại khoản 1 Điều 84. Đại biểu cho rằng sáng kiến lập pháp này tập trung ở MTTQ Việt Nam chứ không còn ở các chủ thể là các tổ chức chính trị - xã hội.
Bấm nút xin tranh luận, đại biểu Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong, nguyên Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết ông rất đồng ý với khoản 2, Điều 9, dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội nêu trên được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam. "Ý đó là đầy đủ rồi, không cần thiết phải nói là trực thuộc" - đại biểu Vũ Trọng Kim nói.

Đại biểu Vũ Trọng Kim tranh luận. Ảnh: Hồ Long
Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy thì cơ quan chuyên trách của 5 tổ chức chính trị - xã hội này trực thuộc trong cơ quan Thường trực của MTTQ Việt Nam, là hoàn toàn đúng. Còn về mặt tổ chức, 5 tổ chức chính trị - xã hội được tổ chức độc lập theo Luật MTTQ Việt Nam đã quy định. Đây là những tổ chức được độc lập.
Và với 4 yếu tố sau đây, đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị MTTQ Việt Nam giữ nguyên những tôn chỉ, mục đích trong Hiến pháp đã nêu ở khoản 1, Điều 9, đó là: Liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động. "Chính 4 yếu tố này đặt nền móng là tổ chức Mặt trận được liên minh với các tổ chức khác, hiệp thương với các tổ chức khác và phối hợp hành động với các tổ chức" - đại biểu Vũ Trọng Kim nêu rõ.
Đồng thời, đại biểu Vũ Trọng Kim cũng xin bổ sung thêm, 5 tổ chức chính trị - xã hội này là thành viên nòng cốt của MTTQ Việt Nam, còn các thành viên khác hiện nay (có hơn 40 thành viên, tổ chức) là thành viên đứng xung quanh Mặt trận . "Mặt trận không tự mình đứng độc lập mà Mặt trận chỉ có thể tồn tại khi có các thành viên xung quanh" - đại biểu Vũ Trọng Kim nói.
Trước khi các đại biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết khi thảo luận tại tổ vào chiều 7-5, đã có 109 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung Hiến pháp; 132 lượt góp ý về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng đã phối hợp với Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 6-5 trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và ứng dụng VNeID của Cơ sở dữ liệu quốc gia.
"Đến nay, đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân. Qua tổng hợp sơ bộ cho thấy, về cơ bản tuyệt đại đa số các ý kiến đồng tình và bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết phạm vi và nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013"- ông Nguyễn Khắc Định cho biết.