Đại biểu Quốc hội: Không thể chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra rồi lại bị trôi đi...

Từ vụ cháy tại phố Trung Kính (Hà Nội), ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, chúng ta không thể chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, rồi sau đó lại bị trôi đi...

Từ vụ cháy tại phố Trung Kính (Hà Nội), ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga đặt vấn đề với các quy định PCCC hiện nay, trách nhiệm từng cấp ngành... (Nguồn: Quốc hội)

Từ vụ cháy tại phố Trung Kính (Hà Nội), ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga đặt vấn đề với các quy định PCCC hiện nay, trách nhiệm từng cấp ngành... (Nguồn: Quốc hội)

Không thể buông lỏng được!

ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng vụ hỏa hoạn khiến 14 người chết tại Trung Kính (Hà Nội) là sự việc đau lòng, chua xót.

Bà Việt Nga nói, chúng ta đã đề cập nhiều nhiều vụ cháy và nguy cơ xảy ra cháy ở các khu nhà trọ cho thuê, chung cư mini ở các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Trên thực tế, đã xảy ra rất nhiều các vụ cháy mà hậu quả vô cùng thương tâm khiến nhiều người thương vong, thiêu trụi nhiều tài sản.

Đại biểu cho rằng, từ sự việc đau lòng này đặt ra vấn đề rà soát một cách triệt để ở trên địa bàn TP Hà Nội là một việc rất khó. Nếu cấm cho thuê trọ với các căn nhà không bảo đảm tiêu chuẩn Phòng cháy chữa cháy (PCCC) có thể có những tác động tiêu cực, rồi tất cả người nghèo đang sinh sống ở các khu nhà đó đi đâu về đâu?

“Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể buông lỏng được”, đại biểu Nga nhấn mạnh. Đồng thời, bà Nga đặt vấn đề với các quy định PCCC hiện nay, trách nhiệm từng cấp ngành cũng được quy định rõ, điều quan trọng là rà soát tích cực, có phương án cụ thể với từng loại hình.

Từ đó, đại biểu đoàn Hải Dương đề xuất, với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, nhiều người thuê trọ nhưng ở trong ngõ sâu, cần kiểm tra kết cấu bởi vì phần lớn các nhà bị cháy có nhiều người tử vong do không có lối thoát hiểm.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra cũng là vấn đề rất cần thiết.

“Tôi cảm giác rằng chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, nhưng sau đó lại bị trôi đi. Nên việc tập huấn thường xuyên, liên tục và nâng cao ý thức của mỗi người là rất quan trọng”, đại biểu Nga nhấn mạnh.

Hiện trường vụ cháy Trung Kính. (Nguồn: Vietnamnet)

Hiện trường vụ cháy Trung Kính. (Nguồn: Vietnamnet)

Phải có biện pháp "mạnh tay"

Chia sẻ quan điểm của mình, ĐBQH Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho hay, chúng ta nên rà soát trên địa bàn, nếu nhà không có lối thoát, cảm thấy có nguy cơ cao về tính mạng của người ở, buộc phải cưỡng chế, yêu cầu bỏ ngay vật cản.

“Trong quá trình ở cơ sở, thực tiễn phải làm sâu sát hơn, vấn đề này cần phải có giải pháp ngắn hạn và dài hạn”, đại biểu An nói.

Theo ông An, sắp tới chúng ta sửa Luật PCCC, cần thiết thiết kế một mục trong Chương về PCCC nhà ở chứ không phải một điều đơn giản. Trong mục đó có thể thiết kế các nội dung liên quan như quy hoạch, hạ tầng đô thị, thẩm quyền của địa phương trong quá trình quản lý. Tại cơ sở của mình có quyền gì, yêu cầu gì phải đưa vào luật để địa phương có đủ cơ sở làm.

Ngoài ra, cần cụ thể được quy định đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải có phương án và giải pháp PCCC, ngăn cháy.

Đại biểu Xuân An nói: “Tôi cho rằng, đối với nhà ở mà kết hợp kinh doanh với cho thuê trọ là phải cấm. Rà soát đánh giá cho kỹ lưỡng, chúng ta chấp nhận mất một thời gian chuyển tiếp, chuyển đổi để người dân ổn định”.

Theo ông Trịnh Xuân An, nguy cơ xảy ra cháy nhà ở kết hợp kinh doanh rất hiện hữu, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc điểm của việc cháy nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh, khu trọ cho người lao động, học sinh, sinh viên thuê là nếu cháy thì khả năng dẫn đến chết người với số lượng lớn.

Do vậy, theo ông An, phải đầu tư thêm vào nhà xã hội, nhà ở cho thuê với người thu nhập thấp. Đây là giải pháp cần quan tâm trước tiên nhưng mới chỉ là ý tưởng, chưa triển khai được và người dân không có sự lựa chọn nào khác là thuê trọ trong ngõ, ngách.

"Tất cả những khu vực tập trung đông người lao động, công nhân ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay những thành phố lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh... phải rà soát một cách chặt chẽ và kỹ lưỡng tất cả cơ sở, nhà ở theo dạng này. Đồng thời, phải trang bị cho khu vực đó bình cứu hỏa; sắp xếp bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm", ông An đề nghị.

Mặt khác, đại biểu An cũng cho rằng các cấp chính quyền cũng phải có biện pháp "mạnh tay". Đó là khi rà soát trên địa bàn của mình mà cảm thấy có nguy cơ cao cháy nổ, đe dọa tính mạng người dân thì phải có những yêu cầu về an toàn cháy nổ.

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-bieu-quoc-hoi-khong-the-chi-lam-rot-rao-moi-khi-co-vu-chay-thuong-tam-nao-do-xay-ra-roi-lai-bi-troi-di-272471.html