Đại biểu Quốc hội hiến kế thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 17/6 cho ý kiến về Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, nhiều đại biểu đồng tình với kịch bản được Chính phủ nêu để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%; đồng thời đề nghị cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo để các cơ chế, chính sách pháp luật, các quy định đã được ban hành sớm phát huy trên thực tế, tránh độ trễ của chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành Phiên họp
Nhiều kết quả quan trọng tạo lực, tạo đà cho phát triển
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, nhiều đại biểu đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội năm 2024 và đầu năm 2025 của nước ta đã tạo đà cải cách, tạo lực, tạo khí thế cho đất nước phát triển.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030, các đại biểu đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tập trung triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, chú trọng thực hiện những giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương về đột phá thể chế; tinh gọn tổ chức bộ máy; chống lãnh phí; cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận khẳng định, năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 là giai đoạn có ý nghĩa then chốt trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, khả năng thích ứng linh hoạt và tinh thần chủ động vượt khó với nhiều quyết sách hết sức đúng và trúng nên đã đạt những thành tựu nổi bật, là điểm sáng phát triển kinh tế trong khu vực và thế giới. Trong đó, Tăng trưởng kinh tế: GDP năm 2024 đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7,09%, 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt, GDP quý 1/2025 đạt 6,93% cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam, mà còn tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Mặc dù phải đối mặt với áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu, nhưng nhờ các biện pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, chúng ta đã kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Đại biểu tham gia Phiên họp
Tuy vậy, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả. Cụ thể, chênh lệch giàu nghèo vẫn là một vấn đề đòi hỏi các giải pháp đồng bộ và hiệu quả để thu hẹp khoảng cách và đảm bảo công bằng xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực tuy có tiến bộ nhưng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hiện đại. Vấn đề hàng gian, hàng giả hàng kém chất lượng, An toàn, an ninh mạng là vấn đề cử tri hết sức lo ngại, quan tâm. Vẫn còn không ít các dự án, công trình trọng điểm quốc gia đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn... gây ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.
Cơ hội lớn để xác định lại động lực và mô hình tăng trưởng
Một số đại biểu phân tích, ở phạm vi toàn cầu, xu hướng tái cấu trúc thương mại, tách rời kinh tế, giảm phụ thuộc giữa các nước lớn đã và đang tạo áp lực ngày càng cao lên các quốc gia đang phát triển. Ở trong nước, tăng trưởng dựa nhiều vào xuất khẩu, nhưng lại phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nên giá trị gia tăng nội địa không cao. Các động lực tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh truyền thống như lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Trong bối cảnh như vậy, Đảng ta đã xác định “Bộ tứ trụ cột” Nghị quyết Trung ương. Cùng các chủ trương, chính sách về An sinh xã hội, “Bộ tứ trụ cột” Nghị quyết Trung ương đã hình thành khung lý luận để đưa Đất nước bước vào công cuộc Đổi mới lần Hai với cải cách sâu và rộng trên nhiều lĩnh vực.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, đây là cơ hội lớn để xác định lại động lực và mô hình tăng trưởng. Từ đó, tăng cường năng lực nội sinh và phát triển nền kinh tế Việt Nam tự chủ, tự cường. Tự chủ, tự cường càng có ý nghĩa khi vai trò của pháp luật và các định chế quốc tế đối với các xung đột, vi phạm đang có dấu hiệu suy giảm.
Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ quan tâm đến 03 vấn đề: Nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước; Đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng; Bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực.
Phân tích sâu hơn về 3 vấn đề nêu trên, đại biểu khẳng định, doanh nghiệp Việt là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự cường. Việc tham gia các dự án công để thụ hưởng nguồn lực và hỗ trợ của Nhà nước là giải pháp hữu hiệu nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị Chính phủ ưu tiên Doanh nghiệp trong nước được thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các dự án có quy mô lớn về hạ tầng như: giao thông, công nghệ hay năng lượng.

Đại biểu tham gia Phiên họp
Đại biểu cũng nêu thực tế, trong khoảng gần 5 triệu Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh ở nước ta thì có hơn 2,5 triệu Hộ kinh doanh có đăng ký Mã số thuế. Số còn lại, đa phần, là cá nhân kinh doanh chiếm gần 50%. Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4/5/2025 của BCT yêu cầu: Xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026. Nghị quyết số 198/2015/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội bổ sung Cá nhân kinh doanh và quy định: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 01/01/2026. Nghị định số 70/2025/NĐ-CP của Chỉnh phủ hướng dẫn sử dụng hóa đơn điện tử từ 01/6/2025 cho cả Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo truyền thông và hướng dẫn thực hiện. Trường hợp cần thiết, trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh phạm vi áp dụng, dãn lộ trình bỏ thuế khoán để bảo đảm tính khả thi, phù hợp Nghị quyết số 68-NQ/TƯ và khoan sức dân, ngăn chặn lạm phát tăng cao.
Đối với vấn đề đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, đại biểu đề nghị Chính phủ có Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp Việt tận dụng tối đa 16 FTA đang thực hiện và đẩy mạnh và ưu tiên xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng mới để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển chuỗi cung ứng nội địa để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào các khâu sản xuất then chốt. Từ đó, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Yêu cầu cấp bách và động lực đột phá cho tăng trưởng
Nhiều đại biểu khẳng định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là động lực đột phá cho phát triển, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chiến lược hoặc Chương trình mục tiêu phát triển nguồn nhân lực và Chương trình phát triển kỹ năng nghề quốc gia để nguồn nhân lực thực sự là một đột phá chiến lược cho giai đoạn tới, đồng bộ với Thể chế và Hạ tầng. Cùng với đó, sớm trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ xuống 44 giờ một tuần thực hiện từ năm 2026, tiến tới còn 40 giờ một tuần thực hiện từ năm 2030.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Cũng quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới hiện nay, với yêu cầu cao về năng suất, chất lượng và hội nhập quốc tế sâu rộng, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm tập trung thực hiện những giải pháp để phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi đây không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là động lực đột phá cho tăng trưởng.
Theo các số liệu gần đây, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chỉ đạt khoảng 28%, trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2025 là 30–35%. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm có trình độ đại học, sau đại học lại cao hơn nhóm trình độ thấp, phản ánh sự lệch pha giữa cung và cầu lao động, do công tác dự báo còn yếu và hệ thống giáo dục - đào tạo chưa sát với thực tế.
Để phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới hiện nay. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ triển khai đưa các chính sách trong Luật việc làm (sửa đổi), đi vào cuộc sống ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành. Đồng thời quan tâm tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp, như: Đổi mới mạnh mẽ hệ thống giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động; Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, minh bạch và liên thông; Thúc đẩy chính sách việc làm bền vững, hỗ trợ khu vực phi chính thức chuyển đổi sang chính thức; Đầu tư có trọng tâm vào phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, nhân lực đổi mới sáng tạo…
Đặt mình vào khó khăn của người dân và doanh nghiệp để giải quyết công việc
Đồng tình với kịch bản được Chính phủ nêu để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là tập trung lãnh đạo chỉ đạo để các cơ chế, chính sách pháp luật, các quy định đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ nỗ lực ban hành nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sớm phát huy trên thực tế, sớm đến với đối tượng được thụ hưởng và tránh độ trễ của chính sách.
“Ban hành chính sách đã khó nhưng công tác thực thi pháp luật mới là vấn đề cần phải quan tâm; việc cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính cần đi vào thực chất; tránh việc chủ trương thì hay ở Trung ương nhưng thực thi thì gặp muôn vàn gian nan và vất vả”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Theo đại biểu, việc phục vụ người dân, doanh nghiệp cần xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm và lương tâm, đạo đức của cán bộ công chức; đôi khi pháp luật quy định rất nhân văn nhưng người thực thi thì lại vô cảm và dẫn đến vô hiệu hóa khi quy định của chính sách và pháp luật. Do đó rất cần sự tận tâm, tận lực đặt mình vào khó khăn của người dân và doanh nghiệp để giải quyết công việc. Cần có công cụ để đánh giá năng lực, phản hồi, phản ánh về trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là những ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân.
Ngoài ra, trong bối cảnh sát nhập các đơn vị hành chính, để tạo động lực phát triển mới, đại biểu đề nghị tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương để phát huy tối đa tiềm năng, tiềm lực, nhất là huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng kết nối với các địa phương được sát nhập. Đồng thời, Trung ương cần có sự hỗ trợ, nhất là nguồn vốn để thực hiện các dự án kết nối.

Đại biểu tham gia Phiên họp
Một số đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành địa phương tiếp tục quan tâm triển khai Nghị quyết 74 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó cần tập trung xử lý đối với 55 dự án không có hiệu quả; 13 dự án trọng điểm chậm tiến độ và hơn 800 dự án chậm đưa đất vào sử dụng.
Đại biểu cũng đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm bảo đảm quốc phòng an ninh trước những diễn biến khó lường đang xảy ra; cần tăng cường đầu tư tiềm lực cho Quốc phòng, nhất là đầu tư cho công nghiệp quốc phòng; xây dựng công trình phòng; thủ thực hiện phương châm “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; cần đầu tư phương tiện kỹ thuật, nâng cao khả năng đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật, tội phạm ma túy; đấu tranh loại bỏ xử lý nghiêm triệt để hành vi bảo kê, côn đồ hung hãn, lưu manh, manh động để xây dựng một xã hội yên bình, hạnh phúc làm tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94639