Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý về những bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Chiều ngày 31/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục diễn ra tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành Phiên họp của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Tham gia phát biểu, Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng nhấn mạnh: Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” là một trong những nội dung giám sát được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tạo chuyển biến thực sự mạnh mẽ, thiết thực và có hiệu quả sau khi giám sát; phạm vi giám sát rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, mức độ tác động, ảnh hưởng của kết quả giám sát là rất lớn; việc tổ chức, tiến hành giám sát hết sức công phu, tỉ mỉ, bài bản, vừa khái quát rất cao lại vừa cụ thể, chi tiết. Giám sát chuyên đề này góp phần tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực của cả quốc gia và từng địa phương. Trong những nguồn lực trên thì trực tiếp và dễ nhận diện nhất là nguồn lực nhà cửa, đất đai đang còn bị lãng phí rất lớn và cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách… điều mà gần đây chúng ta dễ nhận thấy đó là nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn, nhiều vụ án liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng nhà đất. Trong thảo luận hôm nay, tôi đề cập đến một số nội dung sau:
Về đất đai, theo phụ lục báo cáo kết quả giám sát, có hơn 28.000 ha đất của 908 dự án, công trình chậm hoặc không đưa đất và sử dụng; nhiều dự án lớn có vướng mắc và để đất hoang hóa gây lãng phí trong khi chính sách, pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản, bất động sản du lịch, xác định giá trị quyền sử dụng đất; quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai; tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, thời gian quy định nhưng không được xử lý kịp thời, chưa tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Ngay tại tỉnh Lâm Đồng, cụ thể hiện có 2 sân bay và một khách sạn thuộc đất quốc phòng nằm ngay khu vực trung tâm TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc, nhưng để bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí (sân bay Cam Ly, TP Đà Lạt 53ha bị lấn chiếm khoảng 40ha; sân bay Lộc Phát, TP Bảo Lộc hơn 35ha bị lấn chiếm gần như toàn bộ; khách sạn Bavico Đà Lạt với diện tích hơn 7.500m2 là vị trí “đất vàng” nhưng các vi phạm, tranh chấp, xử lý tài sản gắn với đất Quốc phòng chậm được xử lý).
Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp cũng cần phải được quan tâm hơn, kể từ sau khi Quốc hội giám sát vào năm 2018 thì hiện nay tuy có chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, thực tế vẫn tiếp tục phát sinh khiếu nại, tố cáo, trong đó có những trường hợp đông người khiếu nại liên quan đến đất nông, lâm trường tại các địa phương. Thiết nghĩ, đây là vấn đề rất lớn, đề nghị cần phải nhấn mạnh trong Nghị quyết giám sát chuyên đề này của Quốc hội; đồng thời cũng là một trong những nội dung cần quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã đề ra với mục tiêu huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai trở thành một động lực đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển.
Về việc quản lý, sử dụng nhà, đất, trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, thiếu chặt chẽ, không hiệu quả, còn nhiều lãng phí, thất thoát cũng là những vấn đề đang gây ra lo lắng, bức xúc trong cử tri và nhân dân. Tình trạng đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, phô trương, hình thức, không đáp ứng yêu cầu sử dụng hoặc mức không cần thiết, để lãng phí, nhưng chưa được xử lý dứt điểm; việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ; sắp xếp, xử lý nhà, đất và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát... Việc thông tin, số liệu liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chưa cập nhật đến hết năm 2021; nhiều nội dung báo cáo, số liệu thống kê về lĩnh vực này không rõ phải làm đi làm lại nhiều lần trong quá trình giám sát của Quốc hội tại các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được giao quản lý tài sản công là ví dụ cụ thể cho việc quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ, lúng túng, nhiều sai phạm, đất đai, nhà cửa của nhà nước bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài chưa giải quyết dứt điểm được.
Công tác thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội và xử lý các sai phạm trong việc rà soát, sắp xếp lại tài sản công vẫn còn xảy ra sai phạm, chậm triển khai.