Đại biểu đề xuất cân nhắc việc bổ sung thu phí vào nội đô

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Cân nhắc bổ sung thu phí vào nội đô

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đại biểu, dự thảo luật quy định, tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị, nhưng không bao gồm phần công trình đường bộ đi ngầm dưới mặt đất, xây dựng trên sông, hồ, phải bảo đảm quy định.

Theo đó, đô thị loại đặc biệt từ 18% - 26%; đô thị loại 1 từ 16 % - 24%; đô thị loại 2 từ 15% - 22%; đô thị loại 3 từ 13% - 19%; đô thị loại 4 từ 12% - 17%; đô thị loại 5 từ 11% - 16%. Dự luật cũng quy định đô thị có yếu tố đặc thù thì tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ so với đất xây dựng đô thị quy định đô thị có đường biên giới quốc gia, đô thị ở hải đảo, thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật góp ý về dự thảo Luật Đường bộ

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật góp ý về dự thảo Luật Đường bộ

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, việc quy định như dự luật quá chi tiết và có một số nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương trong giai đoạn hiện nay, cũng như có các nội dung không phù hợp với phát triển đô thị trong tương lai...

Tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh hiện nay, tỷ lệ đất dành cho kết cấu giao thông mới chỉ đạt 13 - 15%. "Nếu quy định cứng tỷ lệ đất dành cho giao thông, áp dụng ngay cho các đô thị, bao gồm cả đô thị hiện hữu và hình thành mới, mà không kèm theo các chế tài, biện pháp bảo đảm thực hiện, thì sẽ không khả thi trong điều kiện hiện nay", đại biểu Nguyễn Thủy băn khoăn.

Theo đại biểu, thay vào quy định tỷ lệ cứng, cần chú trọng hơn các giải pháp về tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông đa tầng, giao thông công cộng khối lượng lớn.

Đại biểu đề xuất, luật không nên quy định quá chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị cho từng loại đô thị. Chỉ cần ghi là phù hợp với tiêu chuẩn, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan của đô thị tương ứng, để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của luật. Trường hợp vẫn giữ các quy định cụ thể về tỷ lệ này, thì cần rà soát kỹ các quy định, để đảm bảo thống nhất tiêu chuẩn phân loại đô thị, áp dụng với các đô thị đặc thù....

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng đề nghị cân nhắc phí giao thông nội đô, áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định. Việc này một mặt sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. Mặt khác bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.

"Hiện tại cả 5 thành phố trực thuộc trung ương đều đã được phép quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Một số thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt", đại biểu nêu.

Do đó, theo đại biểu, nếu như luật Đường bộ và luật Phí, lệ phí có quy định chính thức loại phí này, đồng thời, giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, đối tượng, mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai tại các địa phương, góp phần giải quyết vấn đề bức xúc tại các thành phố lớn.

Đề xuất bổ sung loại hình "đường tốc độ cao"

Phát biểu ý kiến về của dự thảo Luật Đường bộ tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, dự thảo đã tiếp thu, chỉnh lý các nội dung cơ bản đáp ứng các yêu cầu để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra, còn có tồn tại, vướng mắc trong việc xử lý các trạm thu phí đã ngừng hoạt động mà không chịu tháo dỡ. Thực tế, ánh sáng tại các khu vực có trạm thu phí đã dừng hoạt động "mù mờ", cản trở giao thông qua lại tại khu vực này. Mặc dù cử tri đã kiến nghị, phản ánh rất nhiều lần nhưng "tin đi, tin đến mấy bận", thực trạng vẫn như vậy.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, cần bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ trạm thu phí đã dừng hoạt động

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, cần bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ trạm thu phí đã dừng hoạt động

“Đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở những khu vực này do chưa có quy định chế tài, nên nếu thiệt hại xảy ra đều do người dân và người tham gia giao thông gánh chịu. Trong dự thảo Luật Đường bộ lần này, cần bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ, trả lại mặt bằng đối với các trạm thu phí đã dừng hoạt động, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới", đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết.

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH Bình Định) quan tâm đến quy định cấp kỹ thuật của đường bộ. Đại biểu nêu quan điểm, đường tốc độ cao khác với đường cao tốc, vì có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như đường quốc lộ. Đường tốc độ cao cũng khác với đường quốc lộ là không có dân cư hai bên.

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thêm “đường tốc độ cao” để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường tốc độ cao và đường quốc lộ.

Còn đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) kiến nghị tiếp tục phải làm rõ vấn đề quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch về kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống đường địa phương, đường đô thị.

Theo đại biểu, vấn đề giao thông đô thị ở các địa phương đang phát sinh nhiều bất cập, do đó cần bổ sung quy định về tỉ lệ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị, bao gồm đất dành cho xây dựng đường, vỉa hè, bến xe khách, điểm đỗ dừng đón, trạm trả khách cho xe buýt…

Về hoạt động vận tải đường bộ, quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của dự thảo là chưa đầy đủ. đại biểu cho rằng cần xem xét, chỉnh lý quy định hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng ô tô để vận chuyển hàng hóa, hành khách cho người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa hoặc có nhu cầu đi lại có thu tiền cước vận tải, kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể điều này.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dai-bieu-de-xuat-can-nhac-viec-bo-sung-thu-phi-vao-noi-do-20240521132355979.htm