Đa phần các công ty Mỹ và châu Âu không có chính sách về khí hậu

Từ năm 2020, số lượng những công ty lớn cam kết không phát thải ròng đã tăng gấp 2 lần. Một thành tích tốt, nhưng đằng sau, vẫn còn những lo ngại lớn.

Trong số 2.000 công ty lớn nhất thế giới được liệt kê trong danh sách bảng xếp hạng Forbes Global 2000, một phần ba số đó - tức 37%, vẫn chưa xác định một lộ trình hành động rõ ràng để giảm lượng khí thải CO2 của họ. Những công ty này chủ yếu nằm ở Mỹ và châu Âu.

Thông tin này được lấy từ báo cáo mới nhất của sáng kiến Net Zero Tracker - dự án hợp tác nghiên cứu dữ liệu giữa 4 tổ chức lớn, vì mục tiêu đạt được Net Zero. Gần đây, Net Zero Tracker đã phát hành Net Zero Stocktake 2023 - báo cáo hàng năm về tổng quan hoạt động giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Tuy hài lòng với những tiến bộ những công ty lớn với chính sách khí hậu đạt được trong những năm gần đây, nhóm tác giả lại bày tỏ sự lo ngại về động thái khó hiểu của những công ty còn lại.

“Thực tế là nhiều công ty lớn đã không đặt mục tiêu trung hòa carbon, mặc dù nhiều chính phủ đã áp dụng những mục tiêu trung hòa carbon trên toàn quốc gia. Đây là một yếu tố đầy lo ngại. Hiện nay, 92% GDP PPP toàn cầu đang được dùng để đầu tư vào mục tiêu Net Zero của chính phủ quốc gia (so với 61% vào tháng 12 năm 2020). Những mục tiêu này chiếm 88% lượng khí thải toàn cầu. Hơn nữa, 85% dân số thế giới cũng tham gia vào mục tiêu” - trích dẫn nội dung báo cáo.

Nhóm tác giả của báo cáo đề xuất rằng, những công ty thuộc dạng trên nên phát triển chiến lược Net Zero càng sớm càng tốt, xác định những điều kiện rõ ràng của chương trình bù đắp carbon, thực hiện những biện pháp tức thì để giảm lượng khí thải và cam kết báo cáo hàng năm về tiến độ đạt được đối với mục tiêu trung hạn và dài hạn.

Ngoài ra, Net Zero Stocktake 2023 cảnh báo trước những lo ngại về sức ảnh hưởng, phạm vi và tính toàn vẹn của những mục tiêu của 929 công ty lớn thuộc loại “đang hướng đến trung hòa carbon”. Theo báo cáo, 63% công ty trong bảng xếp hạng có những mục tiêu về khí hậu không hoàn toàn đáng tin cậy.

Thật vậy, báo cáo nhận thấy, chỉ có 4% cam kết trung hòa carbon - do tất cả những công ty trên toàn thế giới đặt ra, là đủ đáp ứng những tiêu chí ban đầu của chiến dịch Race to Zero của Liên Hợp Quốc. Những tiêu chí này yêu cầu tất cả mục tiêu trung hòa carbon phải áp dụng được cho khí thải ở bất kỳ phạm vi nào.

Về khía cạnh này của báo cáo, Tiến sĩ Takeshi Kuramochi - Nhà nghiên cứu Chính sách khí hậu cấp cao tại Viện NewClimate, nhận xét: “Để trở thành những nhà dẫn đầu thực sự về khí hậu, các công ty cần suy nghĩ nghiêm túc về những dữ liệu đáng tin cậy của Hội đồng Chuyên gia của Liên Hợp Quốc và về những mục tiêu phù hợp với Thỏa thuận khí hậu Paris. Họ phải khẩn trương cập nhật những kế hoạch còn yếu kém bằng chiến lược thực hành mạnh mẽ”.

Cuối cùng, báo cáo cho biết, một số quốc gia đang tụt hậu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Trong nhóm đó có những nước phát thải lớn như Ấn Độ, Úc, Brazil, Indonesia, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các tác giả lưu ý, trong thời gian này, những tiến bộ trong công nghệ sạch và năng lượng tái tạo đang được tôn vinh trên khắp thế giới. Do đó, nhiều chính phủ và doanh nghiệp đang tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và những biện pháp tiết kiệm năng lượng. Đây là cách họ đối phó với tình trạng biến động gần đây trên thị trường năng lượng, do cuộc chiến Nga - Ukraine gây ra.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/da-phan-cac-cong-ty-my-va-chau-au-khong-co-chinh-sach-ve-khi-hau-687136.html