Đã đến lúc xử lý dứt điểm xe ba gác tự chế

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) chết người do xe máy va chạm với xe ba gác tự chế chở tôn cồng kềnh vừa xảy ra trên quốc lộ 51, đoạn qua xã Phước Thái (huyện Long Thành) khiến mọi người khiếp sợ. Đáng lo ngại là tình trạng xe tự chế chở hàng nghênh ngang lưu thông trên đường hiện vẫn còn, vừa gây cản trở giao thông, vừa tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông (ATGT).

Hiện trường vụ tai nạn chết người trên quốc lộ 51, đoạn qua huyện Long Thành, do xe tự chế gây ra ngày 20-5. Ảnh: T.D

Hiện trường vụ tai nạn chết người trên quốc lộ 51, đoạn qua huyện Long Thành, do xe tự chế gây ra ngày 20-5. Ảnh: T.D

Chia sẻ với Báo Đồng Nai, nhiều ý kiến đề xuất cơ quan chức năng cần tăng cường phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm những phương tiện xe tự chế, chở hàng cồng kềnh vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

* Ám ảnh xe tự chế

Dù đã có quy định cấm hoạt động song vẫn có không ít xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên đường. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Trên thực tế, đã có không ít vụ TNGT liên quan đến xe tự chế, do lái xe tự chế gây ra, gây hậu quả nặng nề.

Mới nhất là vụ TNGT gây chết người xảy ra trên quốc lộ 51, đoạn qua xã Phước Thái. Cụ thể, vào lúc 10h58 ngày 20-5, Hà Văn Hiếu (35 tuổi, quê thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) điều khiển xe máy kéo theo xe ba gác tự chế, phía trên chở một cuộn tôn, lưu thông ngược chiều trên quốc lộ 51, hướng từ huyện Long Thành đi thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi đến đoạn thuộc xã Phước Thái, xe của Hiếu xảy ra va chạm với xe máy do anh L.M.S. (25 tuổi) điều khiển chở theo chị Đ.T.N.L. (28 tuổi), cùng ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đi hướng từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về huyện Long Thành. Cú va chạm khiến anh S. bị cuộn tôn trên xe ba gác của Hiếu chắn vào người, bị thương nặng và ngã xuống đường. Chị L. bị thương nhẹ. Anh S. sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi do vết thương quá nặng.

Theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 9-6-2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, kể từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu phương tiện xử lý, bán phế liệu, sung vào công quỹ.

Đây chính là hồi chuông cảnh báo về việc vận hành xe không đảm bảo ATGT, cần được xử lý dứt điểm càng sớm càng tốt để ngăn chặn những vụ TNGT tương tự xảy ra.

Từng thoát chết trong “gang tấc” khi đi phía sau xe tự chế chở các thanh sắt dài ngoằng, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) kể lại, cách đây mấy tháng, ông điều khiển xe máy chạy phía sau xe ba gác tự chế chở các thanh sắt nhọn hoắt không hề che đậy hoặc gắn cảnh báo… lưu thông trên đường 30-4 (thành phố Biên Hòa). Xe đang lưu thông hướng từ vòng xoay Biên Hùng ra khu vực Vườn Mít, khi đến phía trước tiệm bánh mì Như Huệ thì bất ngờ đầu của thanh sắt trên xe rớt xuống, vướng vào tấm lưới cống thoát nước trên mặt đường làm chiếc xe đột ngột dừng. May mắn lúc đó ông thắng xe kịp thời nên không xảy ra tai nạn.

“Tôi không dám tưởng tượng hậu quả sẽ như thế nào nếu bị đâm vào các thanh sắt dài, nhọn hoắt trên chiếc xe ba gác này” - ông Tuấn nói.

* Tăng cường tuần tra, xử lý

Nhiều người ví von các xe tự chế như “hung thần” trên đường, vừa gây cản trở giao thông, vừa tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATGT.

“Mỗi lần thấy xe ba gác tự chế chở hàng hóa cồng kềnh là tôi thấy ớn lạnh. Chiếc xe thô sơ nhỏ xíu lại “cõng” đống hàng chạy trên phố gây cản trở giao thông và có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào” - bà Trần Ngọc Thy (ngụ phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) chia sẻ.

Khi xem thông tin về vụ tai nạn chết người do va chạm với xe chở tôn xảy ra trên quốc lộ 51 nói trên, nhiều người không khỏi xót xa, lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Quyên (ngụ phường Quang Vinh) cho biết, bà thấy thương cho người gặp nạn, đột ngột qua đời khi tuổi đời còn quá trẻ. Sự việc xảy ra chắc chắn đã để lại nỗi ám ảnh, đau thương, mất mát khôn nguôi cho gia đình nạn nhân…

Khoản 3, Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định, phạt tiền từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Trường hợp người điều khiển xe tự chế gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự.

“Tai nạn tương tự sẽ còn tiếp diễn nếu tình trạng xe ba gác tự chế chở hàng hóa cồng kềnh, xe máy kéo theo thùng xe ba gác chở tôn, thanh sắt dài ngoằng… cứ “vô tư” lưu thông trên đường như hiện nay” - bà Quyên bày tỏ lo lắng.

Bình luận dưới tin Tạm giữ người điều khiển xe ba gác chở tôn gây tai nạn chết người trích dẫn trên Facebook Báo Đồng Nai vào ngày 21-5, nhiều bạn đọc gửi lời chia sẻ với gia đình nạn nhân và đề nghị cơ quan chức năng xử lý dứt điểm tình trạng xe tự chế vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

“Đề nghị xử lý thật nghiêm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung” - tài khoản Facebook Ran Pham bình luận. Tài khoản Facebook Nguyễn Tân Duy viết: “Bởi vậy, Nhà nước tịch thu xe thì la khổ. Chở vậy... xem camera hiện trường thấy sợ thật”. Tài khoản Facebook Nguyễn Long đề xuất: “Nên phạt nặng”.

Để không xảy ra các tai nạn tương tự, nhiều ý kiến đề xuất cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những phương tiện xe tự chế, chở hàng cồng kềnh gây mất ATGT.

“Nên tuần tra thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý đối với lái xe vi phạm. Các phương tiện vi phạm sẽ bị cảnh sát giao thông lập biên bản tạm giữ, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý để tránh lái xe có phương tiện sử dụng, tái phạm” - tài khoản Facebook Kim Kim đề xuất.

Thực tế, đa phần chủ xe ba gác tự chế đều là người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh nên dù biết nguy hiểm, vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 mà vẫn chấp nhận liều mình với loại phương tiện này. Tuy nhiên, dù bất cứ lý do gì thì việc sử dụng xe tự chế không chỉ gây cản trở giao thông, tạo nên hình ảnh nhếch nhác và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn nên cần được dẹp bỏ. Bên cạnh việc xử lý vi phạm, kiên quyết tịch thu, tiêu hủy tạo hiệu ứng răn đe nhằm xử lý dứt điểm, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng lực lượng chức năng tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ tạo sinh kế bền vững để chủ phương tiện có thể chuyển đổi công việc phù hợp.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/da-den-luc-xu-ly-dut-diem-xe-ba-gac-tu-che-e135c17/