Đã đến lúc cải cách thuế bất động sản để giải bài toán giá nhà đất?
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng chính sách đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, từ đó kiềm chế đà tăng giá nhà đất. Bởi lẽ, cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ sẽ trở nên rủi ro hơn.
Vừa qua, dư luận xôn xao trước các phiên đấu giá đất trên địa bàn huyện Thanh Oai và Hoài Đức, TP Hà Nội vì kết quả cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Mức giá cao nhất lên tới hơn 133 triệu đồng/m2 tại các địa bàn trên được nhiều người cho rằng là “cao bất thường”, “khó tin”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường bước đầu nhận định việc trúng đấu giá tăng cao so với giá khởi điểm là "đúng thực tế".
Giá nhà đất liên tục tăng cao và không có tín hiệu giảm
Theo đó, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra trong thời điểm giao thoa giữa các luật cũ và mới nên sẽ có một số nguyên nhân, trong đó có việc xác định giá đất để làm giá khởi điểm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng, hiện tại có xu hướng tăng giá chung của thị trường bất động sản, giá giao dịch đã tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp từ đầu năm, đặc biệt là đối với các bất động sản có pháp lý rõ ràng, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thuộc các khu vực quy hoạch phát triển đô thị đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như các huyện Hoài Đức và Thanh Oai.
Nói cách khác, việc hàng nghìn hồ sơ tham gia đấu giá đất lên cao như vừa rồi, tựu chung lại xuất phát từ nhu cầu mua ở và đầu tư của người dân, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) chỉ ra, giá nhà ở đang liên tục thiết lập mặt bằng mới ở ngưỡng cao, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của đại đa số người dân.
Cụ thể, chỉ số giá căn hộ chung cư trong quý II/2024 tại Hà Nội, TP. HCM đã tăng lần lượt 58%; 27% so với quý 2/2019. Hơn 80% nguồn cung căn hộ mở bán tại Hà Nội và TP. HCM mở bán trong năm 2024 có giá từ 50 triệu đồng/m2 trở lên. Các dự án căn hộ thương mại bình dân đã hoàn toàn vắng bóng tại các đô thị. Loại hình căn hộ trung cấp cũng ngày càng khan hiếm, dần bị “chiếm sóng” bởi phân khúc cao cấp, hạng sang. Nhiều dự án chung cư mới ra mắt có mức giá hàng chục nghìn USD trên mỗi m2.
Mức giá bán sơ cấp căn hộ neo cao kéo theo giá chung cư cũ “tăng vọt", nhiều căn hộ đã sử dụng hàng thập kỷ được giao dịch với mức giá cao gấp đôi, gấp ba so với lúc bàn giao.
“Ăn theo” cơn sốt giá chung cư, giá bán nhà ở gắn liền với đất, bao gồm biệt thự, liền kề cũng "được đà" tăng cao, trong đó bao gồm cả một số dự án tại các quận/huyện xa trung tâm Hà Nội khi nguồn cung nội đô ngày càng khan hiếm. Nếu như trước đây, đơn giá hàng trăm triệu trên 1 m2 đối với biệt thự được cho là cao, thì giờ đây mức giá lên tới 1 tỷ đồng mỗi m2 vẫn được coi là bình thường.
Giá bán đất nền cũng liên tục tăng cao. Nhiều tỉnh, thành ghi nhận hiện tượng đất nền pháp lý sạch “sốt nóng" cục bộ do hoạt động đầu tư trở lại hay do một số nhóm nhà đầu tư tạo cung, cầu giả để đẩy giá. Một số tỉnh thành như Hải Dương, mức giá đã vượt “đỉnh sốt" năm 2022.
VARS cho rằng, trong ngắn hạn, giá nhà ở sơ cấp sẽ khó giảm, nhất là phân khúc căn hộ - loại hình đáp ứng nhu cầu nhà ở chủ yếu tại các đô thị. Bởi trong bối cảnh cầu về nhà đất, nhất là nhu cầu đầu tư không ngừng tăng, chủ đầu tư sẽ ưu tiên phát triển phân khúc cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, chi phí xây dựng tăng cao cùng với hạ tầng, tiện ích được đầu tư ngày càng chất lượng.
Hành lang pháp lý mới đã loại bỏ các chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, buộc các chủ đầu tư còn lại trong “sân chơi” phải phát triển các đại đô thị đồng bộ hạ tầng, tiện ích, có sức lan tỏa lớn, đồng nghĩa với việc chi phí tăng cao, cũng khiến giá nhà khó hạ. Đồng thời, việc thị trường chỉ còn lại các chủ đầu tư có tiềm lực sẽ tiếp tục duy trì hiện tượng độc quyền nguồn cung. Các chủ đầu tư lớn sẽ tiếp tục quyết định mức giá của thị trường, theo hướng cao hơn để tối đa hóa lợi nhuận.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản. Theo VARS, song song với việc thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội tại các đô thị, thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối, dịch chuyển nhu cầu về nhà ở từ vùng lõi trung tâm sang vùng lân cận, Nhà nước cần có cơ chế điều tiết nhằm giảm bớt yếu tố đầu cơ, giúp thị trường bất động sản cân bằng về mặt dài hạn.
"Đánh thuế bất động sản sẽ được nhiều hơn mất"
Với các doanh nghiệp phát triển dự án, hành lang pháp lý mới đã có cơ chế, quy định xử phạt đối với các mảnh đất bỏ hoàng, “găm" giữ chờ bán dự án. Theo đó, các dự án đầu tư mà không được sử dụng 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong quyết định đầu tư sẽ bị thu hồi. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ, chủ đầu tư được gia hạn không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng. Hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất.
Tuy nhiên, với các nhà đầu tư cá nhân, hệ thống pháp luật vẫn chưa có cơ chế chính sách xác định và kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất thổi giá.
Theo VARS, khái niệm đầu cơ và đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa được phân định rõ ràng. Việc mua để ở hay cho thuê hay chuyển nhượng là hợp pháp và là một hoạt động đi liền với cơ chế của thị trường trên cơ sở tự chịu trách nhiệm “lời ăn, lỗ chịu" nhưng hoạt động mua bán, chuyển nhượng không được kiểm soát là nguyên nhân chính của tình trạng “sốt đất" diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.
“Việc các nhà đầu tư đầu cơ - găm hàng khi hàng hóa khan hiếm, không có để bán rồi để “hoang" chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả để đẩy giá lên nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao, đang rất phổ biến, xảy ra từ các khu vực đô thị tới nông thôn. Gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển quỹ đất, quan hệ cung cầu, ảnh hưởng tới nền kinh tế trong dài hạn do đất đai là “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất hiện nay”, hội môi giới nhận định.
Do đó, để điều tiết thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững, giá đất tăng giảm theo đúng thị trường, việc ban hành chính sách thuế bất động sản là công việc cấp bách, không thể thấy khó mà bỏ qua.
“Đánh thuế bất động sản hiệu quả và minh bạch, hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua bất động sản phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách, vừa giúp điều tiết thị trường bất động sản. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới". Theo VARS, người có nhiều tài sản và tài sản này lại không ngừng sinh lời thì việc nộp thuế nhiều hơn là đương nhiên. Thực tế, hầu hết người mua nhà trong thời gian qua là người mua nhà thứ 2, thứ 3. Do đó, sắc thuế cần áp dụng với ngôi nhà thứ 2 trở lên.
VARS dẫn chứng tại Singapore, người dân phải trả phí 20% giá trị bất động sản cho căn nhà thứ 2, 30% cho căn nhà thứ 3. Mức thuế có thể nâng cao dần với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn. Ngoài ra, bán ngay trong năm đầu sẽ phải đóng thuế 6% giá trị bất động sản, bán vào năm thứ 2 đóng thuế 8%, năm thứ 3 là 4% và sau năm thứ tư không bị áp thuế, phí này.
Còn ở Hàn Quốc, đất bỏ hoang hoặc đang trong quá trình cải tạo đất quá 2 năm sẽ bị đánh thuế 5%, 5 năm thì đánh thuế 8%, bỏ hoang 7 năm thì đánh thuế 9%, bỏ hoang hơn 10 năm thì đánh thuế 10%. Tại Mỹ, đất bỏ hoang thì bị đánh thuế 3%...
“Chính sách thuế này sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất, bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ trở nên rủi ro hơn. Mua đi bán lại bất động sản để ăn chênh lệch, hay tạo cung cầu ảo để thổi giá bất động sản dần trở nên vô nghĩa. Đồng thời, khuyến khích các chủ sở hữu đưa bất động sản "bỏ hoang" cho thuê hoặc bán đi, thông qua đó tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân có nhu cầu ở thực. Còn trường hợp nếu đánh thuế rồi mà người dân vẫn có nhu cầu đầu cơ, thì ngân sách sẽ thu được thuế, phục vụ cho đầu tư công, xây dựng trường học, bệnh viện, đường xá…”, VARS nhận định.
Tại hội thảo tổ chức mới đây, ông Phan Đức Hiếu cũng nêu quan điểm cho rằng việc ban hành chính sách thuế đối với bất động sản thứ hai là rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay: “Cần sớm khởi động lại dự án về thuế bất động sản để điều tiết. Có công cụ này, giá sẽ tăng giảm theo đúng tiêu chí trên thị trường. Phát triển bất động sản phải có tầm nhìn dài hạn, hướng đến tương lai. Chỉ cần khởi động dự thảo về sắc thuế là sẽ ảnh hưởng ngay đến thị trường, chứ chưa cần phải đợi tới lúc bấm nút thông qua. Tôi ủng hộ chính sách này".
Thực tế, chính sách đánh thuế bất động sản thứ 2 đã nhiều lần được đề xuất, "nâng lên đặt xuống" tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Năm 2023, đề xuất đánh thuế cao đối với những người sở hữu nhà thứ hai đã được đưa vào dự thảo dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM sau đó lại được loại bỏ vì qua thảo luận cho thấy còn tồn tại các bất cập, có thể không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp như người chỉ có một nhà ở, đất ở diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có hai nhà ở, đất ở trở lên có diện tích hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế. Cơ chế này cũng chưa phù hợp với điều kiện thực tế vì các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản giấy tờ và việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế nên nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tìm cách lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên.
Theo VARS, để sử dụng hiệu quả và minh bạch công cụ thuế, cơ quan quản lý Nhà nước cần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam để làm căn cứ xác định đâu là ngôi nhà thứ hai, thứ ba... và giá trị của bất động sản áp thuế. Điều này đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và nguồn nhân lực.
Đồng thời, cũng phải cân nhắc tác động tiêu cực có thể có, như việc đánh thuế có thể khiến người dân bị “kiệt quệ” sức mua, dẫn đến các hệ lụy khác về lâu dài với nền kinh tế. Tuy nhiên, VARS cho rằng, bất cứ một chính sách nào khi mới đưa ra luôn có vướng mắc, vấn đề là phải cân nhắc “được - mất”: "Nếu được nhiều hơn mất thì nên làm và mọi cái vướng đều có thể tháo gỡ. Và rõ ràng, việc đánh thuế bất động sản được nhiều hơn mất!".