Đã chi gần 1.800 tỷ đồng bồi thường thu hồi đất dự án Vành đai 4 tại Hà Nội
Ngày 14/2, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban công tác tuyên giáo trong triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. Hiện các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã chi trả hơn 1.779 tỷ đồng cho việc thu hồi đất, di chuyển mồ mả…
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên cho biết, tính đến ngày 6/2, công tác rà soát tính pháp lý, kiểm đếm, lập hồ sơ bồi thường được thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch. Công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển mồ mả được các quận, huyện tập trung tổ chức thực hiện đáp ứng tiến độ.
Đến thời điểm hiện tại, khối lượng hoàn thành của công tác di chuyển mộ là 5.187/11.682 ngôi (đạt 44,4%); đã phê duyệt phương án thu hồi đất được 209,010/798,01ha (đạt 26,23%) và đã chi trả hơn 1.779 tỉ đồng.
Đối với công tác bố trí tái định cư, tất cả các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 đều được phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ.
Giải phóng mặt bằng luôn là “nút thắt” quan trọng đối với tiến độ của dự án đường. Do đó, Hà Nội đã triển khai tích cực, công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển mồ mả để thuận tiện triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô được các quận, huyện tập trung tổ chức thực hiện đáp ứng tiến độ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Giá đất đền bù chưa tương xứng với giá trị thực tế, nên một số hộ dân trong diện có công trình bị cắt xén không được bồi thường đối với phần còn lại (không còn công năng sử dụng); một số hộ dân phải di dời nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư...
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết, xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ đi trước, nên từ rất sớm, quận đã xây dựng và triển khai bài bản công tác tuyên truyền, chú trọng trên không gian mạng.
Khó khăn nhất là công tác di chuyển mộ. Trên đại bàn quận có 1 nghĩa trang rất lâu đời nằm trong dự án, hiện đã hoàn thành các thủ tục để xây dựng nghĩa trang mới và vận động bà con ký cam kết sẽ di dời các phần mộ sau khi hoàn thành dự kiến khoảng tháng 5/2023. Công tác này được vận động từ trước Tết Nguyên đán đến nay quận đã hoàn thành di dời các điểm mộ rải rác.
Tại hội nghị, các địa phương kiến nghị TP chỉ đạo cụ thể việc áp dụng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về cơ chế đặc thù cho phép thực hiện đồng thời các bước trong quy trình giải phóng mặt bằng, trong đó có quyết định thu hồi đất và bồi thường khi đang thực hiện các bước để phê duyệt dự án.
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản đánh giá cao sự vào cuộc của các địa phương liên quan đến dự án. Đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu tầm quan trọng của Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cũng như các chủ trương của Trung ương, TP để từ đó tạo đồng thuận trong triển khai thực hiện. Các địa phương đã chủ động thông tin, tuyên truyền đến các cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quy mô, tiến độ, ý nghĩa của dự án đối với sự phát triển của TP và cả nước.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, xác định tầm quan trọng của dự án, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 4479-QĐ/TU ngày 9/2/2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn TP. Trong đó, đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội là Trưởng ban Chỉ đạo.
“Điều đó cho thấy cả hệ thống chính trị của TP đang tập trung mọi nguồn lực, huy dộng sự vào cuộc của người dân để dự án được triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ đề ra” - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh.
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các địa phương, cơ quan báo chí của TP cần chủ động và đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về các nội dung quan trọng của dự án như: Chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, nguồn vốn triển khai dự án, sự phối hợp giữa các cấp ủy… để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Nhấn mạnh thời gian hoàn thành việc giải phóng mặt bằng để triển khai dự án không còn nhiều, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu các địa phương chỉ đạo phòng, ban liên quan tập trung cho công tác này. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cần chú trọng hơn nữa, biểu dương các đơn vị làm tốt, nghiêm khắc phê bình những nơi còn chây ì làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Trong đó, thông tin tuyên truyền cho người dân phải cụ thể, chính xác, kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân ngay từ cơ sở không để xảy ra khiếu nại vượt cấp. Đồng thời, tập trung tuyên truyền về tiến độ để cấp ủy nắm bắt và kịp thời chỉ đạo thực hiện.
Đối với các cơ quan báo chí, yêu cầu chỉ đạo phóng viên bám sát cơ sở, các quận/huyện có dự án để thông tin kịp thời cho người dân, dư luận. Trong đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí và các địa phương để tăng cường thông tin về các chủ trương, chính sách của TP, việc thực hiện của người dân trong triển khai dự án.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết giao ước thi đua giữa 7 Ban Tuyên giáo quận, huyện ủy và 7 cơ quan báo chí về thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền triển khai dự án đường Vành đai 4.
Theo tính toán, tổng số vốn đầu tư cho toàn bộ hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để làm Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội khoảng 13.370 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Trung ương chi 4.010 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi 9.360 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội dài 112,8km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Quy mô giải phóng mặt bằng cho dự án tương đối lớn, bao gồm 1.300ha cho 3 địa phương là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, tổng kinh phí 19.000 tỷ đồng. Ngoài bồi thường cho 14.500 hộ dân, Hà Nội phải tái định cư cho 2.200 hộ. Thành phố đã chuẩn bị 9 khu tái định cư quy mô 36ha.