Cựu giám đốc sở vào vòng lao lý là bài học cho những ai 'chưa bị lộ'
Ông Vũ Quốc Hùng: 'Giáo dục là ngành đặc thù cho nên phải tuyệt đối trung thực. Cán bộ đảng viên phạm sai lầm nghiêm trọng vì đồng tiền thì khó có thể chấp nhận'.
Truy trách nhiệm tới cùng, không nhân nhượng
Giáo dục, đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu và là một ngành đặc biệt bởi kết quả của giáo dục, đào tạo chính là tạo ra nhân sự, con người - yếu tố quyết định của mọi hoạt động, phát triển của xã hội.
Những năm gần đây giáo dục nước nhà được ưu tiên, quan tâm và có những bước tiến, đổi mới nhất định. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển của ngành vẫn còn đó những tồn tại, bất cập, thậm chí sai phạm có tính chất nghiêm trọng.
Mới đây, ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-CSKT-P9 về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học, quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều đáng nói là trong 15 bị can bị khởi tố có những người từng giữ vị trí cán bộ quản lý cao nhất tại cơ quan này như bà Vũ Liên Oanh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; ông Ngô Vui - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính… khiến dư luận bàng hoàng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: “Tôi rất đau lòng khi nhận được thông tin như vậy. Giáo dục là ngành đặc thù cho nên phải tuyệt đối trung thực. Cán bộ đảng viên, quản lý trong ngành giáo dục phạm sai lầm nghiêm trọng vì đồng tiền thì khó có thể chấp nhận.
Việc gian lận điểm thi, gian lận chi phí, gian lận đấu thầu, gian lận thiết bị… ở nhiều ngành để lại hậu quả nghiêm trọng đến mức độ khởi tố hình sự chứ không chỉ xử lý về hành chính, kỷ luật về Đảng.
Điều này cho thấy sai phạm ngày càng nghiêm trọng, mức độ, quy mô phạm tội ngày càng lớn và hậu quả xảy ra mang lại nhiều tổn thất không chỉ với ngành đó mà còn gây ảnh hưởng xấu tới toàn xã hội”.
Lấy đơn cử như ngành Giáo dục và Đào tạo, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng đáng lẽ là những người đã là thầy, cô, hơn nữa còn trở thành quản lý, lãnh đạo thì phải gương mẫu, trung thực. Điều đáng tiếc là sau nhiều năm công tác, cuối cùng họ vẫn để xảy ra sai phạm, làm mất uy tín của bản thân và ảnh hưởng xấu tới uy tín của ngành giáo dục.
Ông Hùng chỉ rõ: “Cán bộ, nhân sự ngành trực tiếp thực hiện để xảy ra sai phạm phải xử lý thật nghiêm. Đồng thời những cá nhân, tổ chức quản lý trực tiếp cấp dưới để xảy ra sai phạm cũng phải truy xét trách nhiệm đến cùng, không được nhân nhượng.
Chúng ta phải đặt câu hỏi rằng, tại sao không chỉ một cá nhân mà nguyên một tập thể, có tổ chức vi phạm với quy mô lớn như vậy mà vẫn có thể hoạt động một cách ngang nhiên, bành trướng ngay trong tổ chức của một ngành, thậm chí có cả chức danh lãnh đạo?”.
Bật chế độ hoạt động tích cực cho giám sát, điều tra
Theo ông Vũ Quốc Hùng, sau khi điều tra, xét xử, thật sự có sai phạm xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh thì đây được xem là vụ việc việc phản giáo dục và cần phải xử lý một cách triệt để, rút kinh nghiệm cho toàn ngành.
Thực tế cho thấy rằng đây không phải lần đầu tiên có những vụ việc vi phạm được khởi tố thành vụ án hình sự liên quan đến nhà quản lý giáo dục.
Nhớ lại vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 được xem là “cơn địa chấn” trong ngành giáo dục, hàng trăm bài thi bị can thiệp nâng điểm ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình; rất nhiều cán bộ trong ngành giáo dục và ở lực lượng công an bị bắt, hiện đang chịu án tù giam.
Năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu khởi tố vụ án "tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ.
Sau quá trình điều tra đã đưa ra xét xử nhiều bị cáo, trong đó có Ngô Hoàng Thái - nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ; Bùi Thanh Lam - nguyên Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ; Nguyễn Thị Minh Liễu – nguyên kế toán trưởng và Trần Thị Huệ - nguyên thủ quỹ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ.
Trong vụ việc này, Liễu và Huệ đã cấu kết “qua mặt” những người giữ cương vị lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Sìn Hồ khi đó, chiếm đoạt hơn 26,5 tỷ đồng. Đây là số tiền chính sách dành cho giáo viên và học sinh vùng khó khăn.
Liễu chịu án tù 18 năm và Huệ là 15 năm. Những người có liên quan “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như cựu trưởng phòng, cựu phó phòng giáo dục huyện Sìn Hồ cũng phải chịu án tù 3 năm.
Vấn đề đặt ra là sau những vụ việc bị phát hiện và được xử lý nhưng vẫn có những vụ việc khác với tính chất, hậu quả nghiêm trọng hơn?
Ông Hùng phân tích: “Những sai phạm ấy xuất phát từ lòng tham vật chất, quyền lực. Con người không thắng lại được sự tham lam thì chẳng quan tâm đến liêm sỉ, cái họ suy tính duy nhất là chiếm đoạt vật chất nhanh nhất, nhiều nhất. Nguy hiểm hơn là gian lận có sự tham gia của nhiều người, mang tính chất tập thể thì mức độ nghiêm trọng sẽ tăng lên.
Chúng ta cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng công tác kiểm tra, giám sát ở những nơi ấy bị “tê liệt” thì mới xảy ra sai phạm đến như vậy. Lý luận của việc kiểm tra, giám sát đã có những quy trình, quy định cụ thể tại sao không làm? Các cơ quan thanh tra, kiểm tra có nghe được tin không?
Qua những vụ việc như vậy để thấy được những bài học về sự quan liêu, chểnh mảng trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, không chỉ ngành giáo dục mà tại nhiều ngành của bộ máy nhà nước hiện nay”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra yêu cầu cụ thể đối với ngành giáo dục, trong đó có mục tiêu “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Việc thực hiện được mục tiêu, định hướng đó cho ngành giáo dục thành công hay không phải dựa rất nhiều vào nhân sự, con người.
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng: “Đối với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra trong ngành giáo dục cần được điều tra, làm rõ và quy trách nhiệm đến cùng. Đó là một việc rất đau xót nhưng phải thực hiện thật nghiêm minh. Phải có hình thức xử lý thích hợp nhằm giáo dục những người đã vi phạm, những người sắp sửa dính bùn, những người chưa bị lộ với những biểu hiện manh mún của sự tha hóa”.