Cựu Chủ tịch Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm hầu tòa phúc thẩm

Sau án sơ thẩm, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện và 14 đồng phạm đều kháng cáo.

Sáng nay (27/3), TAND Cấp cao tại Tp.HCM mở phiên xử phúc thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba).

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của 18/23 bị cáo liên quan. Có 95 người bị hại và 2 người liên quan kháng cáo một phần bản án sơ thẩm.

Tuy nhiên, sau đó có 3 bị cáo rút đơn kháng cáo, gồm: Vi Thị Hiến, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trịnh Minh Pháp và tòa án đã ra thông báo về việc rút kháng cáo của các bị cáo này. Như vậy, chỉ có 15 bị cáo kháng cáo và bị đưa ra xét xử phúc thẩm.

Trong đó, Nguyễn Thái Luyện, SN 1985, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba kháng cáo kêu oan.

Theo bị cáo Luyện, Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng, bản thân bị cáo cũng không lừa đảo chiếm đoạt tài sản như bị quy kết.

Cũng theo Luyện, đến trước thời điểm khởi tố vụ án thì không có bị hại nào bị Công ty Alibaba chiếm đoạt tiền. Hiện tại, Công ty Alibaba vẫn có đất để trả cho khách hàng.

Vợ của Luyện là bị cáo Võ Thị Thanh Mai cũng kháng cáo kêu oan, vì cho rằng mình không rửa tiền và không lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, em trai của Luyện là Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh cũng có đơn kháng cáo xem xét lại nhiều vấn đề trong vụ án, hoặc kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thái Luyện là Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba cùng với 22 đồng phạm khác, lợi dụng sự hiểu biết về pháp luật đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tìm cách lách luật, tạo dựng nên hệ thống kinh doanh dự án bất động sản không có thật mà theo mô hình đa cấp để lừa đảo hơn 4.000 bị hại là khách hàng và cả người thân của các bị cáo.

Cụ thể, Nguyễn Thái Luyện dùng một ít tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng, chỉ đạo người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.

Sau đó, Luyện chỉ đạo người thân, nhân viên Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nói trên, lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện lập ra.

Từ đó, các công ty do Luyện lập ra vẽ các dự án “ma” trên đất nông nghiệp, tiến hành tách thửa, phân lô để bán sản phẩm đất nền mà không thực hiện các thủ tục theo quy định.

Tiếp đến, Luyện chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối đất nền trong dự án “ma” với Công ty Alibaba để công ty này trở thành đại lý phân phối đất nền cho khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án.

Sau khi trở thành đại lý phân phối đất nền cho khách hàng trong các dự án “ma” này, Luyện tiến hành quảng cáo, tư vấn cho khách hàng có nhu cầu mua.

Khi khách hàng đồng ý mua, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên dự án “ma”, ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng nhưng tiền thì nộp về cho Luyện quản lý.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện còn tạo ra các giao dịch “ảo”, hứa hẹn sẽ mua lại đất nền với giá cao hơn và cam kết lợi nhuận từ 30% sau 12 tháng, 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Bằng các thủ đoạn nói trên, Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm đã có hành vi lừa đảo hơn 4.000 khách hàng, chiếm đoạt số tiền trên 2.264 tỷ đồng.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm do thẩm phán Võ Văn Khoa làm chủ tọa. Dự kiến phiên tòa diễn ra từ ngày 27/3 đến ngày 5/4.

Võ Công Thư

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguyen-thai-luyen-va-dong-pham-hau-toa-phuc-tham-a599909.html