Cuộc chiến 'vương quyền' Mỹ - Trung tại IMF

Trung Quốc cho rằng quyền biểu quyết của họ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không phản ánh sức mạnh kinh tế mà nước này đã xây dựng trong 2 thập kỷ qua. Trong khi Mỹ, cổ đông lớn nhất của IMF, vẫn chưa sẵn sàng thay đổi.

Trung Quốc đòi thêm quyền biểu quyết

IMF cho biết họ cần nhiều tiền hơn, để tiếp tục mở rộng trợ giúp tài chính cho các quốc gia đang gặp khó khăn trong một thế giới ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc địa chính trị và môi trường. Và hạn ngạch do các thành viên IMF đóng góp chiếm hơn 40% trong rổ cho vay của Quỹ, các khoản vay song phương và đa phương chiếm phần còn lại.

Hạn ngạch là nguồn tài trợ đáng tin cậy và có thể dự đoán được, đó là lý do tại sao các thành viên IMF liên tục nhắc lại sự cần thiết phải tăng cường đóng góp hạn ngạch. Lần tăng hạn ngạch gần đây nhất được thống nhất vào năm 2010 và có hiệu lực 6 năm sau đó.

Do vậy việc xem xét hạn ngạch của IMF (số tiền mà các nước thành viên cam kết đóng góp hàng năm) là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự tại cuộc họp thường niên của IMF, và Nhóm Ngân hàng Thế giới trong tháng 10 này tại Marrakech, Maroc.

Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đồng ý rằng nguồn cho vay của IMF cần tăng lên, với sự đóng góp lớn hơn từ các thành viên - đặc biệt khi tổ chức này đóng vai trò quan trọng là người ứng phó đầu tiên trước các cú sốc kinh tế toàn cầu, như đã thấy trong đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine. Nhưng họ cũng đang kêu gọi tăng quyền biểu quyết tương ứng để phản ánh sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của họ.

Mark Sobel, Chủ tịch Tổ chức tư vấn OMFIF tại Mỹ, và là một quan chức kỳ cựu của Bộ Tài chính Mỹ, nói với báo giới: “Theo một cách nào đó, IMF là một mô hình thu nhỏ của sức mạnh địa chính trị và sự cạnh tranh”. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, đã ủng hộ cải cách hạn ngạch nhằm phân phối lại cổ phần tại IMF, để phản ánh sự tăng trưởng của Trung Quốc và các nước mới nổi khác. Tại Hội nghị Marrakech, bà kêu gọi các thành viên đặt ra thời hạn cho việc sắp xếp lại cơ cấu cổ phần trong hạn ngạch.

Được biết quá trình xem xét hạn ngạch lần thứ 16 đang diễn ra của IMF, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng 12-2023.

Trong khi đó, Mỹ rất miễn cưỡng khi nhắc đến cải cách hạn ngạch bao gồm việc sắp xếp lại quyền biểu quyết, vì lo ngại rằng làm như vậy chắc chắn sẽ trao thêm quyền biểu quyết cho Trung Quốc.

Trung Quốc chiếm khoảng 18% nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên nước này chỉ chiếm hơn 6% quyền biểu quyết của IMF. Sự khác biệt này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất từ việc tái cơ cấu hạn ngạch. Hiện tại, Mỹ là cổ đông lớn nhất với 16,5% cổ phần, mang lại cho nước này quyền phủ quyết một cách hiệu quả.

Chính quyền Mỹ phải tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội đối với bất kỳ cải cách hạn ngạch nào của IMF. Trước đây Chính phủ Mỹ phải mất nhiều năm mới thuyết phục được Quốc hội phê chuẩn cuộc cải cách năm 2010, nhằm tăng số phiếu bầu của Trung Quốc gây bất lợi cho các nước châu Âu.

Nhưng nay, theo Karen Mathiasen từ Trung tâm nghiên cứu Phát triển Toàn cầu: “Đưa bất cứ điều gì tới Quốc hội ngay bây giờ trong môi trường rất phân cực này, cả trong nước và quốc tế, bao gồm cả sức nặng hơn đối với Trung Quốc, tôi nghĩ là không thể”.

Quyền lợi và trách nhiệm

Các quan chức Mỹ lập luận rằng, Trung Quốc không xứng đáng có nhiều quyền biểu quyết hơn tại IMF, cho đến khi nước này đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc hỗ trợ các nỗ lực giảm nợ toàn cầu và trở nên minh bạch hơn về các hoạt động ngoại hối của mình.

Bắc Kinh hiện là một trong những chủ nợ song phương lớn nhất thế giới, nhưng bị cáo buộc đã cản trở tiến trình tái cơ cấu nợ đối với các nước nghèo, trì hoãn việc quay trở lại nợ bền vững của họ. Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì thường giữ bí mật khi cung cấp các khoản vay.

Vào tháng 9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế Jay Shambaugh cho biết, điều quan trọng là “tất cả các quốc gia - đặc biệt là những quốc gia sẽ tăng tỷ trọng, phải tôn trọng vai trò và chuẩn mực của IMF và nỗ lực củng cố hệ thống tiền tệ quốc tế.”

Để làm cho đề xuất của mình trở nên dễ chấp nhận hơn đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước thu nhập thấp, Mỹ đã kêu gọi bổ sung vị trí Phó Giám đốc điều hành thứ năm tại IMF, để đảm bảo sự đại diện tốt hơn cho các quốc gia đó. Đồng thời cũng ủng hộ việc thành lập chiếc ghế thứ ba trong Ban điều hành IMF khu vực châu Phi cận Sahara.

Đề xuất của Mỹ đã nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng từ các thành viên IMF tại Hội nghị Marrakech, bao gồm các nước châu Âu do Pháp và Anh dẫn đầu. Brazil cho biết họ sẽ ủng hộ đề xuất của Mỹ nếu nó đi kèm với việc tăng cổ phần “đặc biệt” cho các thành viên IMF “ít được đại diện một cách rõ ràng nhất”.

Đe dọa tính hợp pháp của IMF?

G24 - một nhóm đa dạng gồm các nước đang phát triển và thu nhập thấp với Trung Quốc là khách mời đặc biệt, đã cảnh báo ở Marrakech rằng, “tính hợp pháp và hiệu quả của IMF phụ thuộc vào việc sắp xếp lại hạn ngạch”.

G24 viết trong một tuyên bố: “Quy trình này rất quan trọng để củng cố tiếng nói và sự đại diện của LIC (các quốc gia thu nhập thấp) và MIC (các quốc gia thu nhập trung bình) trong IMF”. Vào tháng 4, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc, Dịch Cương, cho biết cải cách hạn ngạch là cần thiết để nâng cao cơ bản tính hợp pháp, hiệu quả và tính đại diện của IMF.

Tuy nhiên, Sobel nói rằng, nếu không thực hiện việc tái cơ cấu hạn ngạch sẽ không ảnh hưởng đến tính phù hợp và tính hợp pháp của IMF, thậm chí các tổ chức cho vay đa phương được Trung Quốc hậu thuẫn như Ngân hàng Phát triển Mới và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, cũng “sẽ không thể thay thế vai trò của IMF”.

Sobel nói: “Mọi người, kể cả Trung Quốc và Mỹ, đều quan tâm đến sự ổn định tài chính toàn cầu. Nếu một quốc gia nào đó trên thế giới đang gặp khủng hoảng cán cân thanh toán, bạn sẽ tìm đến ai? Bạn sẽ tìm đến IMF. Điều đó luôn đúng, cho dù có tái cơ cấu hay không”.

Vĩnh Cẩm

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cuoc-chien-vuong-quyen-my-trung-tai-imf-post109154.html