Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai: Nỗ lực, đồng thuận, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ
Với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, ngay từ đầu năm, Cục Hải quan Đồng Nai đã tiếp tục dành ưu tiên hàng đầu cho công tác triển khai hải quan số, hải quan thông minh, tập trung nguồn lực cán bộ, công chức có chất lượng cao để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Từ chủ động bám sát tình hình thực tế, hàng loạt giải pháp đổi mới, linh hoạt trong quá trình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan được triển khai nghiêm túc, quyết liệt, nhằm về đích đạt và vượt số thu ngân sách lĩnh vực xuất nhập khẩu được giao cả năm 2024. Qua đó, góp phần tích cực vào thành công chung của Tổng cục Hải quan Việt Nam và chung tay hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh Đồng Nai.
Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn ông Lê Văn Thung, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai về một số vấn đề nổi bật liên quan hoạt động của ngành.
Phóng viên:Có ý kiến cho rằng công tác chỉ đạo, điều hành thu ngân sách nhà nước lĩnh vực xuất nhập khẩu năm 2024 ở Đồng Nai bớt áp lực căng thẳng hơn so với năm 2023. Ông có thể thông tin cập nhật tiến độ thu ngân sách ở địa bàn mà đơn vị đảm nhận tính đến thời điểm này?
Ông Lê Văn Thung: Tính đến ngày 25/11, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu của Cục Hải quan Đồng Nai đạt 19.035 tỷ đồng, tương đương 101,4% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: tỉnh Đồng Nai thu 17.892 tỷ đồng, đạt 100,5% dự toán. Tỉnh Bình Thuận thu 1.142 tỷ đồng, đạt 119,3% dự toán. Sự tăng trưởng này là kết quả của những giải pháp đồng bộ, tập trung quản lý thu ngay từ đầu năm.
Phóng viên: Vậy, đâu là những giải pháp quản lý, điều hành trọng tâm mà ngành Hải quan Đồng Nai tập trung triển khai thực hiện để mang lại những kết quả nổi bật như trên?
Ông Lê Văn Thung: Chúng tôi đã cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh thu thuế điện tử 24/7, và thực hiện chính sách miễn, hoàn thuế một cách minh bạch. Đồng thời, chúng tôi nắm chắc nguồn thu, chống thất thu qua kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, chống gian lận trong khai tên hàng, mã số, trị giá, xuất xứ hàng hóa và kiểm soát nợ thuế.
Từ đầu năm, chúng tôi đã phát hiện và xử lý 680 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 35 tỷ đồng. Các biện pháp này không chỉ đảm bảo hiệu quả mà còn góp phần ổn định nguồn thu lâu dài.
Phóng viên: Khó khăn đơn vị hiện đang gặp phải trong quá trình nỗ lực thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước là gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Thung: Với đặc thù địa bàn quản lý không có cảng biển, sân bay quốc tế, và phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện miễn hoặc không chịu thuế, như hàng gia công hoặc doanh nghiệp chế xuất, chiếm hơn 70% kim ngạch. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cũng khiến thu ngân sách nhà nước giảm 560 tỷ đồng năm 2024. Bên cạnh đó, cam kết thuế suất ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do với các nước cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn thu.
Phóng viên: Để phấn đấu đạt và vượt dự toán số thu ngân sách nhà nước đã được Tổng cục Hải quan giao, trong khi thời gian chạy “nước rút” từ nay đến cuối năm 2024 chỉ còn được tính bằng ngày, ngành Hải quan Đồng Nai sẽ tham mưu cũng như trực tiếp vào cuộc tăng cường biện pháp đột phá nào?
Ông Lê Văn Thung: Chúng tôi phấn đấu đạt 20.150 tỷ đồng thu ngân sách nhà nước, vượt 107,4% dự toán. Các giải pháp đột phá bao gồm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, xử lý vướng mắc nhanh chóng và bảo đảm môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, bình đẳng. Đặc biệt, chúng tôi tập trung chống thất thu, kiểm tra hàng hóa có rủi ro về khai báo trị giá, số lượng và xuất xứ, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi gian lận.
Phóng viên: Từ thực tiễn hoạt động của ngành thời gian qua, quá trình bắt tay vào chuẩn bị cho nhiệm vụ thu ngân sách năm 2025, ngành Hải quan Đồng Nai chủ động đề xuất kế hoạch, cách làm mới nào, nhất là trong việc “nuôi dưỡng” nguồn thu lâu dài, bền vững, hay có kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Thung: Chúng tôi ưu tiên "nuôi dưỡng" nguồn thu qua hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành như da giày, sợi và gỗ. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát và đánh giá rủi ro trong thông quan. Đồng thời, chúng tôi công khai hóa quy trình, nâng cao uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và chuẩn bị nhân lực phục vụ khi Cảng Phước An đi vào hoạt động vào tháng 2/2025.
Phóng viên: Theo cá nhân ông nhận định, những yếu tố nào được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi, cơ hội bứt phá cho công tác thu ngân sách nhà nước lĩnh vực xuất nhập khẩu ở Đồng Nai năm 2025?
Ông Lê Văn Thung: Tăng trưởng kinh tế cao, dự báo GDP năm 2025 tăng 7,5-8% theo dự báo, là yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, sự nỗ lực, đồng thuận, quyết tâm phấn đấu của toàn thể cán bộ công chức Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai và hiện đại hóa công tác quản lý sẽ thúc đẩy hiệu quả.
Đặc biệt, Cảng Phước An đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội lớn, giúp Đồng Nai trở thành đầu tàu xuất nhập khẩu của cả nước. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để tập thể Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai không ngừng đoàn kết, vượt khó, cố gắng hết sức có thể, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vì sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!