CTCP Đầu tư Tài sản Koji (KPF) bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn do nợ thuế quá hạn

Cục thuế TP.HCM đã thi hành quyết định hành chính về thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với CTCP Đầu tư Tài sản Koji (KPF).

Đầu tư Tài sản Koji (KPF) bị cưỡng chế cấm sử dụng hóa đơn do nợ thuế 11 tỷ đồng

Trong ngày 28/8/2023 vừa qua, Cục thuế TP.HCM đã thi hành quyết định hành chính về thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Tài sản Koji (mã KPF). Nguyên nhân là bởi đơn vị này đã nợ thuế quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Tổng số tiền nợ thuế là gần 11 tỷ đồng.

 CTCP Đầu tư Tài sản KPF bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn do nợ thuế quá hạn gần 11 tỷ đồng (Ảnh TL)

CTCP Đầu tư Tài sản KPF bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn do nợ thuế quá hạn gần 11 tỷ đồng (Ảnh TL)

CTCP Đầu tư Tài sản Koji có tiền thân là CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh, vừa được đổi tên và thay mẫu dấu từ tháng 2/2022 đến nay. Công ty khởi đầu hoạt động trong lĩnh vực tư vấn dự án đầu tư, cung ứng vật liệu xây dựng và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Đơn vị này cũng từng được cấp phép khai thác tại 2 mỏ cát trên sông Hồng, 1 mỏ cát vàng sông Lô cùng 1 bên kinh doanh vật liệu xây dựng.

Quý 1 và Quý 2 gần như không phát sinh doanh thu

Về tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, công ty chỉ ghi nhận doanh thu 1 tỷ đồng tại Quý 1. Quý 2 không ghi nhận phát sinh doanh thu. Đặc biệt, phần lớn doanh thu đạt được trong kỳ đến từ doanh thu hoạt động tài chính với 27,3 tỷ đồng.

Chi phí tài chính của KPF ghi nhận 3,6 tỷ đồng. Dù doanh thu chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng nhưng KPF vẫn phải chi 1,4 tỷ cho chi phí quản lý doanh nghiệp. Tổng lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 18,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 73% so với cùng kỳ.

Với kết quả này có thể thấy rằng Đầu tư Tài sản Koji gần như không phát sinh hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm. Lợi nhuận mang về chủ yếu đến từ doanh thu tài chính, là lãi tiền gửi ngân hàng.

Về cơ cấu tài sản, tính đến hết Quý 2, tổng tài sản của KPF đạt 890,2 tỷ đồng. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền đang chỉ chiếm 1,8 tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, phần lớn tài sản của công ty đang nằm dưới dạng các khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Trong đó 344 tỷ đồng vốn được đầu tư góp vốn cho các công ty liên kết bao gồm: CTCP TTC Deluxe Sài Gòn với 144 tỷ; CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam với 200 tỷ đồng. Ngoài ra công ty cũng đang đầu tư 69 tỷ trái phiếu của CTCP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Sơn và 86,4 tỷ trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu.

3 lần thay đổi chủ tịch trong năm, thành viên HĐQT quyết tâm thoái 6 triệu cổ phiếu

Trong tình hinh kinh doanh khó khăn, chỉ ghi nhận doanh thu tượng trưng, KPF đã liên tiếp 5 lần thay đổi chủ tịch trong vòng 2 năm qua. Lần gần nhất là vào đầu tháng 8 vừa qua, HĐQT bổ sung ông Nguyễn Khánh Toàn vào HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 với chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, KPF đã thay chủ tịch vào ngày 1/4/2023, bổ nhiệm ông Vũ Ngọc Hoàng làm Chủ tịch HĐQT. Sang đến ngày 25/4/2023 lại miễn nhiệm ông Hoàng và bổ nhiệm ông Hoàng Văn Hậu làm Chủ tịch HĐQT. Đến ngày 15/6/2023, miễn nhiệm ông Hậu và sang đến tháng 8 mới bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.

Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Quang Huy, thành viên HĐQT của KPF cũng đã đăng ký bán toàn bộ 6.043.600 cổ phiếu KPF mà mình nắm giữ nhằm giải quyết nhu cầu cá nhân. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 7/9/2023 đến ngày 6/10/2023.

Dự kiến sau giao dịch trên ông Huy sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,93% xuống 0%. Trước đó, từ 31/7/2023 đến 29/8/2023, ông Huy cũng từng đăng ký thoái vốn toàn bộ 10% cổ phiếu KPF nhưng không thành công.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/9/2023, cổ phiếu KPF ghi nhận ở mức giá 7.250 đồng/cổ phiếu.

Du Uyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ctcp-dau-tu-tai-san-koji-kpf-bi-cuong-che-ngung-su-dung-hoa-don-do-no-thue-qua-han-post262576.html