Công ty quyền lực nhất Trung Quốc giữa cuộc thương chiến

Huawei là công ty công nghệ quyền lực hàng đầu Trung Quốc, song gặp không ít rắc rối khi hoạt động tại nhiều thị trường nước ngoài.

 Ảnh: Bloomberg.

Ảnh: Bloomberg.

Công ty Huawei, nhà sản xuất điện thoại có trụ sở tại Trung Quốc, đang ở trung tâm cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Doanh nghiệp khổng lồ này là một trong những nhà sản xuất thiết bị hậu trường lớn nhất thế giới, cung cấp cho hệ thống băng thông rộng cáp quang, mạng điện thoại 4G và 5G. Sản phẩm phần cứng của công ty có mặt trong các hệ thống truyền thông trên toàn thế giới.

Điều này khiến các nhà lập pháp Mỹ thuộc cả hai đảng lên tiếng cảnh báo, cáo buộc Huawei sử dụng công nghệ của mình để làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.

Đáp lại, công ty này khẳng định họ tuân thủ luật pháp địa phương ở mọi nơi họ hoạt động, như các đối thủ Mỹ khác. Tuy nhiên, thiết bị của họ đã bị tháo dỡ khỏi cơ sở hạ tầng tại Anh theo lệnh của chính phủ, các giám đốc điều hành và nhân viên của họ bị bắt giữ khắp nơi thế giới.

 Sách House of Huawei: Inside the Secret World of China's Most Powerful Company. Ảnh: Amazon.

Sách House of Huawei: Inside the Secret World of China's Most Powerful Company. Ảnh: Amazon.

Phóng viên viễn thông kỳ cựu Eva Dou dấn thân vào thế giới tranh cãi này. Cuốn sách House of Huawei: Inside the Secret World of China's Most Powerful Company (tạm dịch: Nhà Huawei: Bên trong thế giới bí mật của công ty quyền lực nhất Trung Quốc) của cô ghi lại lịch sử doanh nghiệp từ khi thành lập, cũng như cuộc sống của người sáng lập Ren Zhengfei và gia đình ông, bắt đầu từ vụ bắt giữ con gái ông là Meng Wanzhou vào năm 2019 - Giám đốc Tài chính của Huawei, theo lệnh của chính quyền Mỹ.

Tờ Guardian đánh giá Dou thể hiện hiểu biết sâu sắc về chủ đề của cuốn sách, với cách tiếp cận và nghiên cứu tỉ mỉ, công bằng, kiên quyết. Từ đó, tác giả tiết lộ nhiều thông tin nhưng không suy đoán quá đà hay khoa trương.

Lịch sử của một doanh nghiệp lớn và thành công hiện ra không hề nhàm chán. Ví dụ, có chi tiết về nỗ lực kéo thiết bị 5G lên trại căn cứ Everest để phát sóng lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh. Cả chuyện ban đầu Ren và nhóm của ông làm việc ngày đêm trong những văn phòng ngột ngạt, để tạo ra các bộ chuyển mạch mạng điện thoại tương tự có khả năng định tuyến tới 10.000 cuộc gọi.

Từ đó, cuốn sách giúp độc giả hiểu sâu hơn về hành trình vươn ra thế giới của một công ty Trung Quốc. Dou cho độc giả thông tin để tự xem xét các câu hỏi: Đây có phải một công ty bình thường, hay là một phần mở rộng của nhà nước Trung Quốc? Các quốc gia khác có an toàn khi sử dụng thiết bị của Huawei? Trung Quốc khai thác lĩnh vực công nghệ có khác biệt gì với cách chính quyền Mỹ khai thác Google, Facebook... như Edward Snowden tiết lộ trong Permanent Record không?

Buổi đầu lịch sử Huawei, Ren từng nói: "Một quốc gia không có công tắc điều khiển chương trình riêng cũng giống một quốc gia không có quân đội", ông lập luận, đưa ra lý do chính quyền nên hỗ trợ sự phát triển của công ty ông. "Phần mềm của đất nước phải nằm trong tay chính phủ Trung Quốc".

Cuốn sách tiết lộ một thỏa thuận từ khi Huawei hoạt động tại Anh, cho phép Trụ sở Truyền thông Chính phủ Anh tiếp cận với mã nguồn và trung tâm hoạt động của Huawei. Dường như cơ quan tình báo Mỹ cũng có thể khai thác thiết bị Huawei cho mục đích giám sát không kém gì Trung Quốc. Dẫu sao thì chính phần cứng từ công ty Cisco của Mỹ đã tạo nên cái gọi là Tường lửa Vĩ đại của Trung Quốc.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/cong-ty-quyen-luc-nhat-trung-quoc-giua-cuoc-thuong-chien-post1531350.html