Công tác trợ giúp xã hội: Còn nhiều khó khăn
Trong 10 năm (2012 – 2022), Tây Ninh có số người được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tăng theo từng năm. Năm 2012 là 23.432 người, đến năm 20222 tăng lên 35.439 người (chiếm tỷ lệ 3,1% so với dân số của tỉnh), chủ yếu là nhóm người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và trẻ em mồ côi.
Từ năm 2012 đến nay, tổng chi trợ giúp xã hội đột xuất của tỉnh gần 11 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể xã hội các cấp đóng vai trò quan trọng trong việc vận động và tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp xã hội cũng như cứu trợ trong những trường hợp khẩn cấp.
Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở trợ giúp xã hội (2 cơ sở công lập, 7 cơ sở ngoài công lập) thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 426 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Các cơ sở bảo trợ xã hội bảo đảm chế độ chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng theo quy định. Việc thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội trong thời gian qua
Tuy nhiên, chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên chưa bao phủ được hết các đối tượng yếu thế, đặc biệt là nhóm người cao tuổi dưới 80 tuổi không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Do mức trợ giúp còn thấp nên đời sống đối tượng được hỗ trợ còn khó khăn, thiếu thốn.
Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít, quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ. Việc xã hội hóa tuy đạt kết quả đáng kể, nhưng còn chưa mạnh, nhất là trong hỗ trợ chăm sóc người khuyết tật, người tâm thần. Việc chăm sóc hỗ trợ tại cộng đồng còn hạn chế.
Đồng thời, công tác dạy nghề cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, do người khuyết tật có đặc điểm đa khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động...) nên khi đầu tư cơ sở vật chất dạy nghề khó phù hợp theo nguyện vọng, điều kiện sức khỏe của người khuyết tật.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/cong-tac-tro-giup-xa-hoi-con-nhieu-kho-khan-a145927.html