Cộng đồng quốc tế tuyên bố ủng hộ quá trình chuyển đổi ở Syria
Ngày 13/2, khoảng 20 quốc gia đã cam kết ủng hộ quá trình chuyển đổi của Syria dưới sự dẫn dắt của chính quyền mới. Tuyên bố được đưa trong hội nghị quốc tế về Syria diễn ra ở Paris (Pháp).
![Quang cảnh thành phố Daraa bị tàn phá do xung đột tại Syria. Ảnh: THX/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_294_51476369/a31db0c0828e6bd0329f.jpg)
Quang cảnh thành phố Daraa bị tàn phá do xung đột tại Syria. Ảnh: THX/TTXVN
Trong tuyên bố chung, khoảng 20 quốc gia bao gồm các nước Arập, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada và Nhật Bản đã nhất trí ủng hộ Syria đạt được quá trình chuyển đổi hòa bình, đáng tin cậy, có trật tự và nhanh chóng, bao gồm tất cả các bên, phù hợp với các nguyên tắc chính của Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuyên bố nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi của Syria phải do Syria lãnh đạo, và cam kết sẽ hợp tác để giúp người dân Syria xây dựng một tương lai an toàn hơn, hứa hẹn hơn và hòa bình hơn. Các quốc gia cũng tuyên bố sẽ tạo điều kiện cho người tị nạn Syria hồi hương tự nguyện và lâu dài thông qua việc hỗ trợ phục hồi kinh tế của Syria. Tuyên bố cũng cam kết ủng hộ chính quyền mới của Syria trong cuộc chiến chống lại "mọi hình thức khủng bố và chủ nghĩa cực đoan".
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ hy vọng lớn lao với chính quyền mới ở Syria đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ với cộng đồng thế giới là chìa khóa đảm bảo sự ổn định của Syria. Ông cũng cho biết sẽ sớm tiếp đón nhà lãnh đạo Syria tại Paris.
Đáng chú ý, Mỹ không có tên trong danh sách các bên ký kết tuyên bố cuối cùng của hội nghị. Theo một nguồn tin ngoại giao của Pháp, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn đang cân nhắc cách tiếp cận đối với Syria dù Washington cũng đã nới lỏng các lệnh trừng phạt, cho phép quyên góp nhiên liệu và điện cho Syria trong 6 tháng.
Sau khi lực lượng nổi dậy ở Syria lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 12 năm ngoái, các quốc gia châu Âu đã có nhiều bước đi thúc đẩy sự phục hồi tại quốc gia Trung Đông này. Hôm 27/1, ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí nới lỏng trừng phạt Syria, bắt đầu với các lĩnh vực then chốt như năng lượng. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot ngày 13/2 cũng cho biết đang làm việc với những người đồng cấp châu Âu để nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế theo ngành.
Trong khi đó liên quan đến tính hình nhân đạo tại Syria, theo thống kê của LHQ, hơn 825.000 người phải di dời ở Syria đã hồi hương kể từ tháng 12, khiến số người vô gia cư nước này tăng lên gần 2 triệu, tập trung ở miền Tây Bắc Syria trong những khu lều trại ở Idlib và Aleppo.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết LHQ và các đối tác nhân đạo đã cung cấp hỗ trợ khi điều kiện và nguồn tài trợ cho phép, bao gồm viện trợ mùa đông cho miền Bắc Syria, nơi thời tiết đang đặc biệt khắc nghiệt. OCHA cho biết 9 khu chợ đang được phục hồi gần các khu lều trại và hơn 260.000 trẻ em ở Idlib và phía Bắc Aleppo đã nhận được máy sưởi, quần áo mùa đông và các loại viện trợ khác.
Tuy nhiên, OCHA cũng cảnh báo về tình trạng thiếu kinh phí cho viện trợ nhân đạo khi mới chỉ nhận được chưa đến 10% trong số 1,2 tỷ USD cần thiết để hỗ trợ 6,7 triệu người Syria cho đến tháng 3.
Cuộc chiến ở Syria trong gần 14 năm đã giết chết hơn nửa triệu người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Liên hợp quốc (LHQ) ước tính chi phí tái thiết sẽ lên tới hơn 400 tỷ USD.