Cộng đồng quốc tế tiếp tục thể hiện tình đoàn kết, chung tay hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Trận động đất lớn 7,8 độ richter tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria sáng 6/2 được ghi nhận là cơn địa chấn gây thương vong nhiều nhất trong nhiều thập niên qua tại khu vực này. Theo các quan chức và nhân viên y tế, trận động đất đã làm 24.617 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.574 người thiệt mạng ở Syria. Tổng số người thiệt mạng đã được xác nhận đến ngày 12/2 là 28.191 người.

Tòa nhà đổ sập sau trận động đất tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 7/2. Ảnh: AFP

Hiện nay, sự hỗ trợ quốc tế tiếp tục tập trung vào một số vùng của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nơi lực lượng cứu hộ vất vả cứu những nạn nhân khỏi đống đổ nát ở những khu vực bị tàn phá bởi trận động đất kinh hoàng. Đợt đóng băng do mùa đông ở những khu vực bị ảnh hưởng đã khiến những nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn và làm trầm trọng thêm sự tổn thất của hàng triệu người, rất nhiều nạn nhân đang rất cần hỗ trợ.

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo ít nhất 870.000 người cần lương thực khẩn cấp ở hai quốc gia sau trận động đất, khiến 5,3 triệu người mất nhà cửa chỉ riêng ở Syria. Các dư chấn sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 6/2 đã làm tăng thêm số người chết và làm đảo lộn cuộc sống của những người sống sót.

Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ đã kêu gọi 77 triệu USD để cung cấp khẩu phần lương thực cho ít nhất 590.000 người mới phải di dời ở Thổ Nhĩ Kỳ và 284.000 người ở Syria. Trong số đó, 545.000 người di tản ở trong nước và 45.000 người phải đi tị nạn. Văn phòng nhân quyền của LHQ hôm 10/2 kêu gọi tất cả các bên trong khu vực bị ảnh hưởng - nơi các chiến binh người Kurd và quân nổi dậy Syria hoạt động - cho phép tiếp cận nhân đạo. Đảng Công nhân người Kurd - tổ chức bị Ankara và các đồng minh phương Tây coi là một nhóm khủng bố, đã tuyên bố tạm dừng giao tranh để khắc phục hậu quả động đất.

Lực lượng cứu hộ đưa người bị nạn ra khỏi tòa nhà bị sập ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/2. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh số nạn nhân thiệt mạng do trận động đất ngày càng tăng, WHO đã kêu gọi hỗ trợ 42,8 triệu USD để giúp giải quyết các nhu cầu y tế ngay lập tức. WHO ước tính rằng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có hơn 4.000 tòa nhà bị sập trong trận động đất, 15 bệnh viện thiệt hại một phần hoặc thiệt hại nặng nề. Còn ở Syria, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe đã bị tàn phá sau 12 năm nội chiến, ít nhất 20 cơ sở y tế trên khắp vùng Tây Bắc nước này bị ảnh hưởng lớn, trong đó có 4 bệnh viện đã hư hại nặng. WHO cảnh báo điều này khiến cho việc giúp đỡ hàng chục nghìn người bị thương trong thảm họa càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi các cơ sở cứu chữa khẩn cấp quá tải bệnh nhân chấn thương, các dịch vụ y tế thiết yếu đã bị gián đoạn nghiêm trọng. WHO nhấn mạnh sự cấp thiết của việc chăm sóc những người bị chấn thương, chăm sóc phục hồi sau chấn thương, cung cấp các loại thuốc thiết yếu, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh bùng phát và hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths ngày 11/2 mô tả trận động đất kinh hoàng vừa qua ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria là "sự kiện tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua ở khu vực này". Về phần mình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Hội đồng Bảo an cho phép mở các điểm viện trợ nhân đạo xuyên biên giới mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hội đồng Bảo an sẽ nhóm họp để thảo luận về Syria, có thể vào đầu tuần tới.

"Thảm kịch diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong tuần này là thời điểm mà tất cả chúng ta phải cùng nhau hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng", Tổng thư ký LHQ Guterres nói khi kêu gọi "sự khác biệt chính trị phải được đặt sang một bên".

Hiện trường sau trận động đất ở tỉnh Hama, Syria. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia lo ngại con số người chết sẽ tiếp tục tăng thêm khi thời tiết giá lạnh và thời gian tính từ khi động đất xảy ra đã vượt quá mốc 72 giờ, mốc thời gian được các chuyên gia thảm họa coi là khoảng thời gian có khả năng cứu sống nhiều người nhất. Trước tình hình này, quan chức xử lý thảm họa động đất của WHO Robert Holden, cảnh báo về mối đe dọa dịch bệnh sau động đất có thể là một thảm họa khác, đẩy nhiều người vào tình cảnh còn nghiêm trọng hơn nếu cộng đồng quốc tế không có hành động ngay lập tức. Vì vậy, theo quan chức của WHO, nhiệm vụ khẩn cấp hiện nay là tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo những người sống sót trong thảm họa vẫn tiếp tục sống do quá nhiều người đang phải sống trong tình cảnh ngày càng tồi tệ, từ thiếu thốn đồ ăn, nước uống đến nhiên liệu, thông tin liên lạc.

Cộng đồng quốc tế đã thể hiện tình đoàn kết và sẵn sàng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của trận động đất nghiêm trọng. Các nước thành viên NATO cùng nhiều quốc gia khác trên toàn cầu đang tiếp tục gấp rút điều các đội cứu hộ và gửi hàng viện trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Tổng thống Mỹ, Joe Biden chỉ đạo các cơ quan nước này sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến trận động đất. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố, 13 quốc gia châu Âu đã đề nghị gửi các đội cứu hộ để đóng góp vào các nỗ lực khắc phục hậu quả của trận động đất. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell và Cao ủy EU về quản lý khủng hoảng Janiz Lenarcic cho biết, 10 đội cứu hộ và tìm kiếm từ Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan và Romania đã nhanh chóng được huy động để hỗ trợ cứu trợ trên mặt đất.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các nạn nhân của trận động đất, đồng thời nhấn mạnh Nga sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga tuyên bố, sẵn sàng cử đội tìm kiếm cứu nạn gồm 100 thành viên tới Thổ Nhĩ Kỳ để góp phần đối phó với những ảnh hưởng của trận động đất.

Ngày 9/2, đoàn 24 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an Việt Nam đã lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm, cứu nạn người dân sau thảm họa động đất. Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã phân công đoàn công tác của Bộ Công an tìm kiếm cứu nạn 15 người đang bị vùi lấp trong đống đổ nát trên đường 531, Adiyaman Merkez, thành phố Adiyaman (Thổ Nhĩ Kỳ).

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam động viên các sỹ quan lên đường tham gia cứu hộ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Hồng Pha

Tiếp đó, ngày 10/2, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ cho lực lượng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành lập lực lượng tham gia tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của QĐND Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ gồm 76 quân nhân.

Ngày 10/2, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định điều 2 thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cùng một máy bay tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả động đất. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các thành viên của SDF sẽ được giao nhiệm vụ thu thập thông tin sau trận động đất và tăng cường phối hợp với các tổ chức liên quan ở nước sở tại, trong khi máy bay sẽ chủ yếu tham gia vận chuyển vật tư y tế.

Thu Minh (tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cong-dong-quoc-te-tiep-tuc-the-hien-tinh-doan-ket-chung-tay-ho-tro-tho-nhi-ky-va-syria-post458743.html