Công đoàn độc lập: 'Độc lập' hay 'đối lập'

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, tham gia vào sân chơi lớn của toàn cầu. Vì vậy, các quy định của pháp luật Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc không được trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bùi Thị Bích Thủy trao quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: N.Hòa

Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bùi Thị Bích Thủy trao quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: N.Hòa

Một trong những nội dung đó là các quy định của Bộ luật Lao động về việc cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) tại cơ sở.

* Công đoàn Việt Nam bảo vệ quyền lợi cho mọi lao động trong doanh nghiệp

Khoản 3, Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở “là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của NLĐ tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện cho NLĐ tại cơ sở bao gồm Công đoàn cơ sở và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp”.

Lợi dụng việc này, thời gian qua, các lực lượng chống đối trong và ngoài nước đã tiến hành tuyên truyền, lôi kéo công nhân và NLĐ để tập hợp lực lượng cho cái gọi là tổ chức “công đoàn độc lập” ở Việt Nam.

Để lôi kéo công nhân, NLĐ, các thế lực này rêu rao rằng tổ chức Công đoàn trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức “vô dụng” và không bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ, chỉ có “công đoàn độc lập” không lệ thuộc đảng phái nào mới có thể bảo vệ quyền lợi cho NLĐ (?!).

Thực tế là trong những năm qua, có lúc, có nơi đã có những tổ chức Công đoàn ở cơ sở chưa thật sự làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ, song hoàn toàn không phải như các luận điệu chống phá nêu trên.

Để NLĐ nhận thức đúng bản chất chính trị của vấn đề này, các cơ quan của hệ thống chính trị cần chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi NLĐ, mỗi công nhân hiểu rõ, hiểu đúng về việc tham gia tổ chức “công đoàn độc lập”. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn Việt Nam các cấp cần thật sự thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình để NLĐ tin tưởng.

Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đấu tranh giai cấp sẽ dẫn tới sự ra đời chính đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân (GCCN) và giai cấp tư sản. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất của GCCN. Đảng ra đời để đấu tranh bảo vệ lợi ích cho giai cấp mà Đảng đại diện, tức GCCN. Ở Việt Nam, quyền lợi của GCCN trùng hợp với quyền lợi của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành cho quyền lợi của GCCN, đồng thời cũng là đại biểu trung thành cho quyền lợi của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Ở Việt Nam, tất cả các tổ chức đại diện cho các giai cấp, tầng lớp đều được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất của GCCN nên việc quan tâm đến GCCN, đến hoạt động của tổ chức đại diện cho giai cấp này luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam đề cao. Chẳng hạn, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Hiến pháp năm 2013 còn có thêm Điều 10 để quy định về Công đoàn Việt Nam.

Theo đó: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của GCCN và của NLĐ, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ; tuyên truyền, vận động NLĐ học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Như vậy, theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện nay, dù NLĐ không gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam thì tổ chức Công đoàn Việt Nam vẫn phải có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Việc bảo vệ này thông qua nhiều cách thức khác nhau như: vấn đề giờ làm việc, tiền lương tối thiểu, dân chủ ở nơi làm việc, hợp đồng lao động… Giả sử ở một doanh nghiệp nào đó chưa có tổ chức Công đoàn cơ sở thì tổ chức Công đoàn Việt Nam vẫn phải có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Thực tiễn là, trong những năm qua, tổ chức Công đoàn các cấp đã thực sự trở thành chỗ dựa, là tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ tại các doanh nghiệp.

* Cần nhận diện rõ bản chất vấn đề

Nếu như khoản 3, Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc cho phép thành lập tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở thì khoản 4, Điều 3 của bộ luật quy định về tính hợp pháp của việc thành lập tổ chức này. Theo đó, tổ chức đại diện NLĐ “là tổ chức được thành lập hợp pháp”. Như vậy, pháp luật Việt Nam hoàn toàn không cấm NLĐ chưa tham gia Công đoàn có quyền thành lập, tham gia tổ chức đại diện của mình ở doanh nghiệp, nhưng việc thành lập này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh hỏi thăm, động viên công nhân tại xưởng sản xuất.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh hỏi thăm, động viên công nhân tại xưởng sản xuất.

Gần đây, trên mạng xuất hiện những lời kêu gọi NLĐ tham gia cái gọi là “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam”. Đây là tổ chức không phải ở Việt Nam, chưa được bất cứ cơ quan có trách nhiệm nào của Nhà nước Việt Nam cho phép thành lập và hoạt động. Không lẽ một tổ chức mang danh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ nhưng lại hoạt động bất hợp pháp? Nếu vậy, làm sao có đủ uy tín để bảo vệ NLĐ!

Thực tế, nhiều nơi trên thế giới đã từng có những bài học đắt giá về vấn đề này. Đơn cử như “Công đoàn đoàn kết” ở Ba Lan những năm 1980 đã làm cho Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan mất vai trò lãnh đạo và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan sụp đổ.

Thực chất của việc lôi kéo công nhân lao động tham gia thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập” chỉ là bước đầu tiên của tập hợp lực lượng để tiến tới mưu đồ sâu xa hơn là thành lập một tổ chức đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thực tế ở Việt Nam, lợi ích của chủ doanh nghiệp hoàn toàn không xung đột với lợi ích của Nhà nước Việt Nam và của NLĐ. Vậy thì, cái gọi là “công đoàn độc lập” đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích cho NLĐ là bảo vệ cái gì? Chẳng lẽ tổ chức đình công, lãn công để gây sức ép với chủ doanh nghiệp?

Hơn nữa, với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam hiện nay, rất nhiều công ty, nhà máy mọc lên ở khắp nơi. Doanh nghiệp nào không đảm bảo đời sống, lao động, việc làm cho NLĐ thì tự bản thân NLĐ sẽ dịch chuyển đến những doanh nghiệp có các chế độ ưu đãi tốt hơn. Vậy thì, việc lôi kéo, chiêu dụ để thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập” có thể chỉ là chiêu bài tiến tới thành lập các tổ chức đối lập và khi có điều kiện sẽ tiến hành bạo loạn, biểu tình, đập phá. Câu chuyện ở Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh cách đây không lâu vẫn là bài học đắt giá…

Viết Phước

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202405/cong-doan-doc-lap-doc-lap-hay-doi-lap-6eb6335/