Công đoàn các KCN&CX Hà Nội: Hướng về cơ sở vì lợi ích của đoàn viên

Ngay sau Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội đã tập trung xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết, trọng tâm hướng về cơ sở, với phương châm 'Vì lợi ích của đoàn viên và người lao động; vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm và thu nhập của người lao động'.

Nghị quyết Đại hội Công đoàn các KCN&CX Hà Nội lần thứ IV đã để ra10 nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2023-2028, cụ thể: Hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) do Liên đoàn Lao động Thành phố và Đảng ủy các KCN&CX Hà Nội giao.

Đến năm 2028, ít nhất 80% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể, trong đó có nhiều điều khoản có lợi hơn cho công nhân lao động (CNLĐ) so với Bộ luật Lao động quy định. Hàng năm, có từ 80% đoàn viên, CNLĐ được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và Công đoàn; Công đoàn tham gia thúc đẩy để ít nhất 65% CNLĐ tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp;

Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đặt mục tiêu mọi hoạt động đều hướng về đoàn viên, NLĐ. Ảnh minh họa

Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đặt mục tiêu mọi hoạt động đều hướng về đoàn viên, NLĐ. Ảnh minh họa

Cùng với đó hàng năm, 100% CĐCS khu vực hành chính sự nghiệp, ít nhất 75% CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hàng năm bình quân mỗi CĐCS nơi có chi bộ Đảng giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp; 100% cán bộ chủ chốt CĐCS được đào tạo, bồi dưỡng với hình thức phù hợp; 100% CĐCS khu vực hành chính sự nghiệp và 55% CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài ra hàng năm, ít nhất 80% CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có đủ điều kiện thành lập Ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; ít nhất 10% CĐCS được Công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát tài chính Công đoàn; hoàn thành chỉ tiêu thu nộp kinh phí, đoàn phí Công đoàn.

Công đoàn các KCN&CX Hà Hà Nội cũng đề ra 2 khâu đột phá, đó là: Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều lợi ích cho đoàn viên, CNLĐ trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, các phúc lợi, điều kiện và thời giờ làm việc. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là Chủ tịch CĐCS doanh nghiệp.

Với tinh thần và khí thế mới của Đại hội lần thứ IV, ngay sau Đại hội Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi trong toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ các KCN&CX Hà Nội về kết quả đại hội và các nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Theo đó Công đoàn các KCN&CX Hà Nội tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Chỉ đạo CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức, Hội nghị Người lao động; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, sắp xếp lao động có đủ việc làm, thu nhập ổn định. Xây dựng, sửa đổi bổ sung thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân trong đơn vị hành chính sự nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Công đoàn các cấp cũng chủ động tham gia với chuyên môn, người sử dụng lao động chăm lo cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho CNLĐ. Đồng thời tăng cường phối hợp với Ban quản lý và các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, tiền lương, và các chế độ, chính sách đối với lao động nữ…

Hàng năm, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội hướng dẫn CNVCLĐ tham gia ý kiến xây dựng các dự án luật, các chế độ chính sách có liên quan đến quyền lợi của mình. Kịp thời nắm bắt tình hình CNVCLĐ để có biện pháp giúp đỡ những có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ đạo các CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn; thống nhất kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh chính sách cải cách tiền lương, đảm bảo đời sống cho CNLĐ.

Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cũng triển khai phát động các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Công nhân giỏi”,“Người tốt, việc tốt”, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo” Thủ đô, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề” thi thợ giỏi, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm An toàn vệ sinh lao động; Phong trào thi đua trong cơ quan hành chính tập trung vào việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính...Đồng thời làm tốt công tác sơ, tổng kết biểu dương khen thưởng và nêu gương các điển hình tiên tiến nhằm nhân rộng những tập thể, cá nhân Lao động giỏi trong phong trào thi đua yêu nước.

Đặc biệt Công đoàn các KCN&CX Hà Nội chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; xây dựng CĐCS vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong sạch, vững mạnh. Duy trì chất lượng hoạt động Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức CĐCS. Tăng cường tuyên truyền để CNLĐ và người sử dụng lao động hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ và lợi ích của việc thành lập tổ chức Công đoàn; phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Trần Vũ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-doan-cac-kcncx-ha-noi-huong-ve-co-so-vi-loi-ich-cua-doan-vien-159615.html