'Công chúa' Huawei lên máy bay về nhà, Trung Quốc phóng thích 2 công dân Canada
Sau khi Canada trả tự do cho con gái của nhà sáng lập Huawei, Trung Quốc cũng trả tự do cho 2 công dân Canada mà nước này bắt giam trước đó...
Hai công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig bị Trung Quốc bắt giữ - Ảnh: Getty/Bloomberg.
Trong một kết thúc đầy bất ngờ của cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada, Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu của Huawei đã lên máy bay để về nước và Trung Quốc cũng phóng thích hai công dân Canada bị bắt giam trước đó.
Bà Mạnh, con gái cả của nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi, đã bị quản thúc tại gia suốt gần 3 năm qua ở Vancouver, Canada. Trong khoảng thời gian đó, bà quyết tâm chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ và những cáo buộc gian lận mà Washington nhằm vào bà.
Cũng trong thời gian trên, hai người Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor – bị bắt chỉ vài ngày khi Canada bắt bà Mạnh tại sân bay Vancouver vào tháng 12/2018 – phải sống trong nhà tù ở Trung Quốc.
Việc Mỹ đòi dẫn độ bà Mạnh từ Canada về Mỹ để xét xử và Trung Quốc bắt giam hai công dân Canada đã đẩy 3 nước vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao căng thẳng, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung bị đẩy xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tưởng chừng còn kéo dài này bất ngờ kết thúc vào ngày 24/9, sau khi bà Mạnh đạt một thỏa thuận với nhà chức trách Mỹ. Chỉ vài giờ sau, tòa án cấp cao của British Columbia, Canada đã ra lệnh trả tự do cho bà Mạnh. Ngay lập tức, “công chúa” Huawei ra sân bay và lên một máy bay thuê riêng của hãng Air China để bay về Thẩm Quyến, nơi đặt trụ sở Huawei.
Tiếp đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau công bố hai công dân của nước này là Kovrig và Spavor cũng đang lên đường về nhà.
“Sẽ có thời gian cho hồi tưởng và phân tích trong những ngày tới, tuần tới”, ông Trudeau phát biểu trước báo giới ở Ottawa. “Nhưng tôi biết người dân Canada sẽ rất vui mừng khi biết tin rằng ngay lúc này, trong buổi tối ngày thứ Sáu, Michael Kovrig và Michael Spavor đang ở trên một máy bay và họ đang về nhà”.
CFO Mạnh Vãn Châu của Huawei rời nhà ở Vancouver, Canada, hôm 24/9 - Ảnh: Bloomberg.
Vụ “công chúa” Huawei đã trở thành một biểu tượng trong cuộc đối đầu địa chính trị ngày càng trở nên căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc – xung đột thậm chí khiến các quốc gia khác “vạ lây”. Chỉ vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt ở Canada, Trung Quốc cũng bắt giam hai công dân Canada, châm ngòi cho một “trận thư hùng” ngoại giao gây thiệt hại hàng tỷ USD kim ngạch thương mại và đẩy mối quan hệ song phương lao dốc.
Việc Washington nhằm vào CFO của Huawei được xem là một phần trong nỗ lực nhằm kiềm chế Huawei, công ty đại diện cho sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc và bị Mỹ coi là nguy cơ an ninh quốc gia. Về phần mình, Trung Quốc coi việc Mỹ tấn công bà Mạnh là một hành động có động cơ chính trị nhằm vào “nhà vô địch” công nghệ của nước này.
Việc hai công dân Canada được Trung Quốc phóng thích là một thắng lợi quan trọng đối với Thủ tướng Trudeau. Trong một cuộc bầu cử toàn cách đây ít , ông Trudeau bị đảng Bảo thủ đối lập chỉ trích mạnh mẽ về cách xử lý quan hệ với Bắc Kinh.
Trung Quốc đã nhiều lần liên hệ vụ hai công dân Canada với vụ bà Mạnh. Năm ngoái, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc dừng nỗ lực dẫn độ bà Mạnh “có thể mở ra giải pháp cho vấn đề hai công dân Canada”.
Spavor, một nhà tổ chức tour du lịch, bị Trung Quốc kết án 11 năm tù giam vào năm ngoái vì tội gián điệp. Đối với Kovrig - một nhà phân tích làm việc tại International Crisis Group ở Hồng Kông và là một cựu nhân viện ngoại giao Canada, bị bắt cùng ngày với Spavor – chưa có bản án nào được đưa ra. Hai người này đã bị giam trong hơn 1.000 ngày.