Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội nghị, có Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; đại diện Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo ủy ban nhân dân; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 8/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 611/QĐ-TTg. Trong quá trình thực hiện soạn thảo Quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn nhận được sự quan tâm phối hợp tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, Ban, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các chuyên gia, nhà khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực môi trường.
Để bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới với bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đã đặt ra các quan điểm về bảo vệ môi trường trong đó nhấn mạnh bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; bảo đảm tính mở và linh hoạt, phòng ngừa các vấn đề môi trường từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường nhằm hạn chế tác động đối với môi trường và sức khỏe con người.
Với các quan điểm đó, Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế-xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, hài hòa với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, để thực hiện các mục tiêu được đặt ra, các nhiệm vụ chính cần được triển khai tập trung như: giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và thúc đẩy các mô hình tăng trưởng bền vững.
Mặt khác, Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp thực hiện, trong đó bao gồm: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật và đầu tư tài chính cho bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Thông tin về những điểm nổi bật của Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Vụ trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền cho biết, Quy hoạch xác định các mục tiêu cụ thể được đặt ra, với bốn nhóm đối tượng của Quy hoạch gồm: Phân vùng môi trường; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Khu xử lý chất thải tập trung và Mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường.
Ngoài ra, Quy hoạch cũng xác định tầm nhìn đến năm 2050 đó là môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong lành cho nhân dân; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, đất nước phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp nhằm hướng tới đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết thêm, để triển khai các nội dung Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đối với Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Theo đó, Dự thảo Kế hoạch xác định kế hoạch, lộ trình thực hiện các danh mục dự án cụ thể, xác định tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện; định hướng cho các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quy hoạch từng giai đoạn…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, góp ý Dự thảo Kế hoạch trong việc huy động nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án triển khai Quy hoạch; khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa cho truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất thực hiện các khu xử lý chất thải quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh; đồng thời, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai các nội dung, mục tiêu của Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra.