Công bố hạn chót nhận yêu cầu rà soát chống bán phá giá nhôm nhập từ Trung Quốc
Ngày 4/7, Cục Phòng vệ thương mại thông báo sẽ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam và thời gian chậm nhất đến ngày 4/8/2023.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo này của Cơ quan điều tra, nhà sản xuất trong nước có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Thời hạn Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 4/8/2023.
Trước đó, ngày 28/9/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Quy định này có hiệu lực 5 năm.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương, 1 năm trước khi kết thúc thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định tiến hành rà soát cuối kỳ đối với việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Nội dung rà soát cuối kỳ được quy định chi tiết tại Khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 63 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA), giai đoạn 2019 – 2020, việc áp thuế chống bán phá giá nhôm định hình xuất xứ từ Trung Quốc đã giúp các doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam tránh khỏi bờ vực phá sản và mất đi thị trường trong nước
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp ngành nhôm diễn ra trong tháng 5 vừa qua, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trước khi thuế chống bán phá giá được ban hành bởi Bộ Công Thương có hiệu lực vào năm 2019 (với mức thuế chống phá giá từ 2,49% đến 35,58%), nhập khẩu nhôm thanh định từ Trung Quốc đạt khoảng 340.000 tấn/năm. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu nhôm từ Trung quốc giảm xuống còn 180.000 tấn, đến 2021 còn 95.000 tấn.
Tuy nhiên, ông Trung cho biết, đến tháng 10/2024 việc áp thuế trên sẽ hết hiệu lực. Với những ưu thế về công nghệ sẵn có, nguồn nguyên liệu rẻ, nhôm Trung Quốc có khả năng vẫn sẽ trở thành mối cạnh tranh lớn đối với nhôm Việt ngay tại thị trường nội địa.
Dù vậy, việc quyết định có áp thuế hay không sẽ phụ thuộc vào thông tin, dữ liệu mà cơ quan điều tra có được, từ đó tính toán theo tiêu đã được xác định.
Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam được nộp trực tiếp tại Cục Phòng vệ thương mại, tầng 2, 23 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.