'Con tàu mang tên Nghị quyết 98' đã chất đầy hàng và sẵn sàng tăng tốc

Với gần 100 tờ trình về các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù và các dự án được thảo luận, xem xét tại kỳ họp, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng đây là kỳ họp với lượng công việc lớn chưa từng có của HĐND TP.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 19/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận và đánh giá về việc cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 98 và việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Với gần 100 tờ trình về các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù và các dự án được thảo luận, xem xét tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng đây là kỳ họp với lượng công việc lớn chưa từng có của HĐND TP. Với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, gấp rút, các ban, các đại biểu HĐND TP đã thực hiện đúng tinh thần của Thủ tướng, Thành ủy, Thường trực Thành ủy TPHCM quán triệt trong cụ thể hóa Nghị quyết 98…

Mọi phần việc cho Nghị quyết 98 đã sẵn sàng

Sau gần 3 tháng Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được Quốc hội thông qua, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá, công tác chuẩn bị từ Chính phủ đến địa phương đã được làm khẩn trương. Ngay khi Chủ tịch Quốc hội ký ban hành nghị quyết, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện, chuẩn bị nội dung, quy chế, quy trình công tác. Đây là việc làm chưa từng có.

TPHCM cũng chuẩn bị mọi phần việc từ sớm để bắt tay thực hiện. TP cũng có ban chỉ đạo, ban điều hành, hội đồng tư vấn, tổ giúp việc thực hiện Nghị quyết 98. ““Con tàu mang tên Nghị quyết 98” đã đi được một đoạn, chuyến hàng đầu tiên đã được đưa lên tàu. Hôm nay, HĐND TPHCM có một ngày để quyết định cả trăm công trình, dự án cụ thể” - đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, hiện tại, mọi phần việc cho Nghị quyết 98 đã sẵn sàng, giống như một con tàu đã chất đầy hàng và sẵn sàng để tăng tốc. Các nhân viên của con tàu đã làm việc tích cực ngày đêm, trong hôm nay, Hội đồng thẩm định cuối cùng là HĐND TP đóng dấu niêm phong là khởi hành.

“Chúng ta vẫn ở trên con tàu cũ, những nhân viên cũ nhưng tâm thế, khí thế mới. Con tàu cũng được thay hộp số mới, động cơ mới, đường ray cũng thông thoáng hơn trước" - đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, trong việc thực hiện Nghị quyết 98, TP cần mở rộng không gian phát triển, chủ động các phần việc. Cụ thể, các hoạt động y tế, giáo dục của TPHCM có thể mở rộng ở phạm vi vùng.

“Người dân làm ăn, sinh sống, học tập ở TPHCM phần lớn tới từ địa phương khác trong vùng. Nếu người dân trong vùng không cần đi xa mà vẫn có thể làm ăn, sinh sống, học tập, chăm sóc sức khỏe thì quá tốt” - đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

Các cuộc giám sát ngày càng chặt chẽ, đẩy lùi, ngăn chặn tiêu cực

Trao đổi về tổng kết thi hành Luật giám sát của Quốc hội và HĐND TP, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, HĐND TP đã chuẩn bị khá kỹ hoạt động giám sát là một trong hai chức năng, nhiệm vụ cơ bản của HĐND TP.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên ghi nhận và đánh giá rất cao công tác giám sát của HĐND TP. Cụ thể, thời gian qua, hoạt động giám sát ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm và có kết luận kịp thời, phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ chính trị, từng bước nâng cao thực chất, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền để đảm bảo phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, các cuộc giám sát cũng đã chuẩn bị chu đáo, công phu, nghiêm túc, có yêu cầu cụ thể và làm việc của đối tượng cụ thể. Sau giám sát có kết luận kiểm tra sau giám sát, cơ quan được giám sát tiếp thu, triển khai thực hiện giám sát sau giám sát, đã làm khá tốt, ngày càng chặt chẽ hơn.

“HĐND là cơ quan đại diện tin cậy của đồng bào, nhân dân TP. Các cuộc giám sát ngày càng chặt chẽ, đẩy lùi, ngăn chặn những tiêu cực, chần chừ, do dự, tránh né trong bộ máy, nhất là bộ máy hành chính các cấp” - Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.

Chia sẻ trong các cuộc hội họp, kiểm tra, giám sát, mỗi người tham dự đều có một sứ mệnh, một phận sự, cũng có người đảm nhiệm 2-3 vai, đồng chí Nguyễn Văn Nên mong muốn từng người phải làm đúng, làm tốt vai của mình, với trách nhiệm chung là hướng về một phía để hành động.

“Tôi phát hiện có những đồng chí có lúc không thuộc bài, không đúng vai phải điều chỉnh. Xách cặp đi họp mà hỏi đến chuyện của mình thì nói không biết là không thuộc bài” - đồng chí Nguyễn Văn Nên nêu thực trạng. Do vậy, từng người trong bộ máy muốn hoàn thành nhiệm vụ, khẳng định vai trò, vị trí của mình, cách đơn giản nhất là phải đúng vai, phải thuộc bài.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ và đại biểu dự họp

Về sơ kết giữa nhiệm kỳ hoạt động của HĐND TP, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành ủy đã họp và đánh giá giữa nhiệm kỳ, trong đó Thành ủy đã đánh giá rất rõ ràng hoạt động của HĐND TP thời gian qua có nhiều chuyển biến quan trọng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ từ Hiến pháp và pháp luật, đóng góp hết sức có hiệu quả cho việc hoàn thiện nhiệm vụ chính trị của TP, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, có những những quyết sách kịp thời, đúng đắn, tạo động lực TP vượt qua khó khăn. Hoạt động giám sát từng bước nâng lên về chất, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị HĐND TPHCM hãy nhìn thẳng sự thật, đánh giá sự thật, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của cử tri, của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Đồng chí Nguyễn Văn Nên tin tưởng và mong rằng thời gian tới HĐND TP tiếp tục phát huy và khắc phục những mặt chưa làm được.

“Hạn chế hiện nay, nhất là trong công tác tiếp xúc, đối thoại để giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri, giải đáp những vấn đề chính sách pháp luật; việc thực hiện Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát hoạt động, cần phải được đặc biệt quan tâm” – đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý.

Ban hành danh mục dự án nâng cấp, mở rộng công trình đường bộ

Thay mặt UBND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã thông tin về 98 tờ trình. Trong 9 tờ trình về triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, đáng chú là Tờ trình về Đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn. Tờ trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh TPHCM đối mặt với “bài toán” thiếu nhân sự cấp xã trong suốt thời gian qua.

Theo quy định tại Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211 năm 20216 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí phân loại đơn vị hành chính cấp xã, TPHCM có 245/312 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số vượt tiêu chuẩn dân số của phường là trên 15.000 người và xã, thị trấn là 8.000 người. Đặc biệt, TP có 6 phường, xã có quy mô trên 100.000 dân.

Theo số liệu cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2022-2026 của Bộ Chính trị giao, cả nước có tổng cộng gần 206.000 người. Như vậy, bình quân 1 cán bộ, công chức cấp xã trên cả nước đang phục vụ 485 người dân. Đối với TPHCM, bình quân 1 cán bộ phường, xã, thị trấn đang phải phục vụ 1.554 người dân. Con số này đang gấp 3 lần so với bình quân số lượng người dân mà cán bộ, công chức cấp xã cả nước đang phục vụ.

Đồng chí Bùi Xuân Cường cho rằng, việc bố trí bổ sung số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn là cần thiết, cần triển khai ngay để phù hợp với công tác, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, việc phân bổ số lượng cần phù hợp thực tiễn, định hướng thực hiện nhiệm vụ và không gây lãng phí nguồn lực. Mặt khác, nếu bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tăng lên quá nhiều thì cơ sở vật chất hiện tại không đủ đáp ứng. Khi đó, ngân sách TP sẽ cần chi hỗ trợ chỉnh trang, tu sửa trụ sở UBND phường, xã, thị trấn và trang bị thêm cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

Vì vậy, UBND TPHCM đưa ra phương án tăng thêm 1 công chức đối với các phường, xã, thị trấn quy mô từ đủ 30.000 dân trở lên; tăng thêm 2 công chức và 2 người hoạt động không chuyên trách đối với địa phương có từ đủ 50.000 người trở lên; 3 công chức và 3 người hoạt động không chuyên trách đối với nơi có từ đủ 100.000 người trở lên.

Ngoài ra, TPHCM dự kiến sẽ tăng thêm 1 công chức, 1 người hoạt động không chuyên trách đối với phường, xã, thị trấn có hoạt động kinh tế phát triển, có từ 2.000 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trở lên; địa bàn có từ 200 cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện trở lên; quy mô diện tích tăng thêm từ đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên trở lên.

Về cơ cấu lãnh đạo UBND phường, xã, thị trấn, UBND TPHCM kiến nghị tăng 1 vị trí Phó Chủ tịch UBND đối với đơn vị có từ đủ 50.000 dân trở lên.

Theo phương án này, TPHCM sẽ cần bố trí 7.005 cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn. Trong đó 12 xã, thị trấn trên 50.000 dân sẽ thêm 1 chức danh Phó Chủ tịch UBND; 40 phường có trên 50.000 dân sẽ tăng 1 Phó Chủ tịch UBND; hơn 323 công chức tăng thêm khác sẽ làm việc tại phường, xã, thị trấn...

Số người hoạt động không chuyên trách tại địa phương tại TPHCM cần bố trí là hơn 6.000 người, tăng so với trước đây là 1.809 người. Ước tính, dự toán tổng ngân sách cần bổ sung để đảm bảo giải quyết chế độ, chính sách hàng năm đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tăng thêm tại TPHCM là hơn 495 tỷ đồng/năm.

Theo đồng chí Bùi Xuân Cường, Đề án thực hiện trong 5 năm tính từ ngày Nghị quyết của HĐND TP thông qua, có hiệu lực thi hành. Việc đề xuất phương án bố trí số lượng đảm bảo nguyên tắc được quy định tại điểm a khoản 5, điều 9, Nghị quyết 98 và bám sát nội dung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tránh xảy ra tình trạng bố trí dôi dư cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp phường, xã, thị trấn.

Theo số liệu hiện tại, TPHCM đang có hơn 9,5 triệu dân, số lượng cán bộ, công chức được bố trí tại 312 phường, xã, thị trấn là 6.153 người. Như vậy, bình quân 1 cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn đang phục vụ 1.554 dân.

UBND TPHCM cho biết, đây cũng chính là áp lực tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước tại địa phương khi cung cấp, giải quyết nhu cầu, thủ tục hành chính theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, công việc này đòi hỏi phải luôn đảm bảo sự chính xác, kịp thời và nhanh chóng.

Cũng tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cũng trình 8 tờ trình còn lại về triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, gồm: Tờ trình quy định trình tự, thủ tục chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô dưới 500 ha để thực hiện dự án trên địa bàn; Tờ trình về quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, thể thao và văn hóa; Tờ trình về chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức; Tờ trình về cơ cấu tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức; Tờ trình quy định về chi thu nhập tăng thêm; Tờ trình quy định về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; Tờ trình về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP HCM; Tờ trình ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại Hợp đồng xây dựng - vận hành – chuyển giao (BOT).

L.N

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/thuc-hien-nghi-quyet-98-thanh-pho-can-mo-rong-khong-gian-phat-trien-chu-dong-cac-phan-viec_152802.html