Con gái nhà văn Nguyên Hồng nói về vở nhạc kịch 'Bỉ vỏ'

Vừa qua, vở nhạc kịch được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Nguyên Hồng - 'Bỉ vỏ' đã ra mắt khán giả thành phố Hải Phòng. Là khán giả xem đêm diễn, bà Nguyễn Thị Thanh Thư, con gái thứ 4 của nhà văn Nguyên Hồng đã rất xúc động khi xem tác phẩm vì những nỗ lực của các nghệ sĩ đã làm sống lại một trong những tác phẩm nổi tiếng của cố nhà văn ở một hình thức thể hiện mới - thể loại nhạc kịch.

Nhạc kịch "Bỉ vỏ" do các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa Hải Phòng biểu diễn, những người trước đây chỉ quen với việc thể hiện ca khúc là phần nhiều. Khi góp mặt trong thể loại nhạc kịch, các ca sĩ vốn chỉ quen với việc hát đã phải làm quen và thể hiện nhiều kỹ năng hơn trên sân khấu như diễn kịch, hát, múa, nhảy.

Là đạo diễn của tác phẩm "Bỉ vỏ", đồng thời là nhà biên kịch và viết lời ca khúc, Ths. Tuyết Minh chia sẻ, do dàn diễn viên còn nhiều bỡ ngỡ với nhạc kịch, nên bên cạnh công việc sáng tạo, ê kíp làm vở còn thêm một công việc nữa là huấn luyện. Nhưng với sự quyết tâm và cố gắng, các nghệ sĩ Đoàn Ca múa Hải Phòng đã bắt nhịp khá nhanh và thể hiện được đúng ý đồ của đạo diễn.

Mỹ thuật sân khấu và hiệu ứng âm thanh đã góp phần làm nên thành công của vở.

Mỹ thuật sân khấu và hiệu ứng âm thanh đã góp phần làm nên thành công của vở.

Với thời lượng 80 phút, vở nhạc kịch đã đưa khán giả trở về Hải Phòng những năm 1937 với chế độ cai trị thực dân nửa phong kiến, đã làm bần cùng hóa lớp quần chúng lao động nghèo khổ khiến họ phải rời bỏ làng quê, thuyền lưới, chỉ còn con đường đi phu, làm thợ, tha hóa người dân lương thiện vào con đường ăn chơi, trụy lạc, lục xì, nhà thổ, lưu manh trộm cướp, nhà tù nhiều hơn trường học.

Trên âm hưởng Pop - Rock, Hải Phòng hiện lên trong vở là một hải cảng giao thương sầm uất bậc nhất của Đông Dương thời bấy giờ với đầy đủ mọi thành phần xã hội, với những "anh chị có số má", hung tợn, liều lĩnh nhưng cũng rất tay chơi, nghĩa hiệp. Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật được khắc họa trên sân khấu nhạc kịch "Bỉ vỏ".

Không chỉ có những cảnh diễn ám ảnh về khát khao trở thành người lương thiện của Tám Bính, sống cho ra sống, sống cho ra một con người, những cảnh diễn thể hiện sự bất công trong xã hội với bọn ma cô, trùm nhà thổ, mật thám, bè lũ thực dân Pháp chỉ lăm le thu nguồn lợi về cho chính quốc... vở nhạc kịch còn có những cảnh diễn lãng mạn thể hiện tình yêu giữa 2 con người ở tận cùng của xã hội là Tám Bính và Năm Sài Gòn hay cảnh rượt đuổi trên tàu tạo cảm giác chuyển động đầy tính nghệ thuật. Sự đan xen giữa các cảnh diễn nặng nề và lãng mạn đem lại sự cân bằng về cảm xúc cho khán giả.

Các diễn viên của Đoàn Ca múa Hải Phòng nỗ lực thể hiện nhiều kỹ năng trên sân khấu trong lần đầu góp mặt ở vở nhạc kịch.

Các diễn viên của Đoàn Ca múa Hải Phòng nỗ lực thể hiện nhiều kỹ năng trên sân khấu trong lần đầu góp mặt ở vở nhạc kịch.

Đặc biệt, cảnh diễn cuối cùng khi Tám Bính gặp lại đứa con buộc phải bán đi năm xưa, đó là một cảnh diễn giằng co trên tàu, để rồi khi tới tay mẹ đẻ thì đã chết vô cùng xót xa. Cảnh diễn đã lấy nước mắt của nhiều khán giả về số phận đầy nghiệt ngã của Tám Bính khi chứng kiến cảnh chồng chết, con chết. Vở diễn đã khép lại trong sự tuyệt vọng của Tám Bính với màn bi kịch đầy nước mắt và thảm khốc.

Có thể nói, cùng với khả năng diễn xuất của các diễn viên, hiệu ứng của thiết kế mỹ thuật sân khấu và âm thanh, phục trang đã góp phần làm nên vở diễn thành công. Để làm rõ tính cách của từng nhân vật trên sân khấu cũng như mạch phát triển của tác phẩm, toàn bộ các ca khúc trong nhạc kịch "Bỉ vỏ" được viết riêng cho từng nhân vật trong câu chuyện. Điều thú vị là phần lời thoại được tiết chế tối đa để đảm bảo có tính âm nhạc như trong các ca khúc.

Sau khi xem tác phẩm, bà Nguyễn Thị Thanh Thư, con gái thứ 4 của nhà văn Nguyên Hồng cho biết, sinh thời, cha bà dành nhiều tình cảm cho thành phố Hải Phòng. Tác phẩm đầu tay của ông - "Bỉ vỏ" được lấy từ hiện thực của thành phố những năm đầu thế kỷ 20. Trước đây, tiểu thuyết "Bỉ vỏ" đã được chuyển thể sang lĩnh vực của nghệ thuật nhưng đây là lần đầu tiên bước lên sân khấu nhạc kịch.

Con gái nhà văn Nguyên Hồng - bà Nguyễn Thị Thanh Thư (người ở giữa).

Con gái nhà văn Nguyên Hồng - bà Nguyễn Thị Thanh Thư (người ở giữa).

"Nếu cha còn sống, ông sẽ khóc khi xem vở vì ông từng có một tình yêu lớn lao, sâu sắc với Hải Phòng. Khi xem vở nhạc kịch, tôi đã khóc rất nhiều ở đoạn cuối khi Tám Bính trải qua nhiều vất vả, vùi dập vẫn nhận ra đứa con của mình... Các diễn viên đã "cháy" hết mình trong lần ra mắt lần này. Tôi cảm phục và biết ơn các nghệ sĩ, lãnh đạo ở Hải Phòng đã làm mọi cách để sáng tạo, nối dài tác phẩm "Bỉ vỏ" của cha tôi", con gái nhà văn Nguyên Hồng cho hay.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá, nhạc kịch "Bỉ vỏ" đã chạm đến cảm xúc của người xem. Bà rất bất ngờ khi một đoàn nghệ thuật ở địa phương lại làm được nhiều điều khán giả mong đợi.

"Đây là sự dấn thân và táo bạo của Đoàn Ca múa Hải Phòng. Họ rất dày công luyện tập, có nhiều diễn viên tài năng. Diễn viên đóng Tám Bính và Năm Sài Gòn hát và diễn rất hay, thể hiện được sự sắc lẹm của nhân vật. Có lẽ, được làm việc với một ê kíp sáng tạo giỏi nên các bạn ấy đã trưởng thành hơn rất nhiều", NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/con-gai-nha-van-nguyen-hong-noi-ve-vo-nhac-kich-bi-vo-post581469.antd