Còn ai gánh nước đêm trăng...
Bến sông làng tôi gọi tên là bến 'Nhà Mình'. Mùa thu nay rất đỗi dịu dàng. Dịu dàng từ dòng nước hiền hòa đến cả bãi bồi trồng ngô đang trổ đòng, đóng bắp, dập dờn những cánh cò bay la bay lả. Người dân quê tôi đặt tên bến là 'Nhà Mình' tạo sự gần gũi, thân thương.
Nghe các bô lão bảo rằng cái tên đã gắn với đất với người hơn một thế kỷ. Càng thân thương hơn do ngày xưa nhiều người đến gánh nước về tắm táp, tưới rau trong vườn.
Xưa vào mùa cấy hay mùa gặt, nhiều người gánh nước nghẽn cả lối lên xuống. Những đôi bàn chân tõe ngón dài, gầy gò bấm vào mặt đất. Dáng những chiếc thùng cán tôn, thùng đan bằng nan tre bánh tẻ sóng sánh đung đưa. Việc gánh nước không kém phần vất vả nhưng người gánh nước tựa như một nghệ sĩ, một tay bấu vào đầu đòn gánh để giữ thăng bằng, tay kia bơi trong không khí. Vừa gánh nước họ vừa nói chuyện, hát hò, rộn ràng cả quãng đường.
Gái xóm Tây ngực mẩy, má hồng, eo thon lại chăm chỉ, rất được lòng trai xóm Đông. Nhiều đôi cũng từ những đêm trăng gánh nước mà thành vợ chồng, trong đó có cha mẹ tôi. Nghe cha kể tóc mẹ ngày xưa dài như năm tháng. Dài như sự tần tảo, nết na của mẹ. Cưới nhau rồi cha mẹ đi làm chung ở Hợp tác xã. Sau này chia ruộng làm tới một mẫu ruộng thầu khoán. Anh em chúng tôi lớn lên từ cánh đồng, từ những mùa thóc lúa vàng óng như mật ong, như màu trăng tãi trong đêm rằm.
Ngày đó cha tôi và những người cha, người mẹ trong làng vô cùng yêu trăng. Trăng sáng thay đèn để cấy lúa đêm. Trăngsáng soi đường từ bến sông về nhà. Ban ngày cả làng ra đồng làm, tối muộn tranh thủ gánh dăm, bảy quẩy nước đổ vào cái bể be thấp miệng dùng được hai ngày.
Nhiều chàng trai xóm Đông í ới gọi những cô gái xóm Tây cùng gánh nước. Gánh nước theo đoàn đông vui nhộn nhịp dễ vơi bớt mệt nhọc. Mỗi đêm có hát chèo thì tranh thủ gánh nước, rồi kéo nhau nghe hát nơi sân đình.
Trong những người con gái gánh nước, tôi ấn tượng chị Quy, mái tóc dài đen nhánh nhờ gội nước nấu từ bồ kết và vỏ bưởi. Anh trai tôi thích chị Quy nên thường đi gánh nước cùng chị. Hai anh chị gánh nước bên nhau và rải những chuỗi cười vui vẻ trên đường.
Tình cảm nhen lên từ những cử chỉ, hành động bé nhỏ. Tình cảm lan ra, ủ mầm, lớn thành cây, thành tình yêu. Hai người thề non hẹn biển, hứa làm một cuộc trầu cau. Một cuộc tình đẹp nơi quê hương thanh bình. Nơi người con trai thắp sáng lời hứa đợi cho người con gái. Người con gái chung thủy một lòng làm vợ, làm mẹ.
Rồi anh vào bộ đội, làm nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới phía bắc rồi nằm lại ở dải đất biên cương. Anh đành lỡ hẹn mùa trăng với chị. Lỡ hẹn mùa sum họp tình yêu đôi lứa. Chị Quy ngày nào cũng ra bến sông, nhìn xa xăm, thẫn thờ, nước mắt chảy dài thương nhớ anh.
Bến sông vẫn yên bình. Ánh trăng tỏa đầy mặt sông. Làng tôi hiếu học, từng có nhiều người đỗ đạt, thông tường Nho học, có người làm thơ. Bến sông Nhà Mình thành bến thơ, bến họa lãng đãng vàng trong bình yên châu thổ.
Tình yêu của chị Quy và anh tôi cũng thành đề tài cho các bác họa sĩ. Tôi và đám trẻ trong làng thường tung tăng trên đê, rồi sà xuống bãi cát vàng để thả diều. Chán chê thì ngồi lặng nhìn các bác họa sĩ lặng thầm tìm tứ cho tranh. Thi thoảng chị Quy vẫn cắt cỏ trên đồng, mang ra sông giặt cỏ mang về cho trâu ăn. Vòm ngực thanh xuân nhấp nhô bồi hồi.
Sáu năm sau khi anh trai tôi hy sinh, chị mới đi lấy chồng. Cha mẹ tôi mừng rơi nước mắt chúc phúc cho anh chị. Anh tôi dù sao cũng đã được về nằm trong lòng đất mẹ. Hoa dành dành trắng ấp iu yên bình.
Người làng giờ không gánh nước tưới về tắm nữa. Nước giếng khơi, nước máy, nước mưa đã thay nước sông trong tất cả các sinh hoạt hàng ngày. Nước sông chỉ dành tưới những thửa rau xanh ngoài bãi bồi. Chỉ còn cha tôi thi thoảng vẫn gánh vài quẩy về tưới cây cảnh trong vườn. Cha bảo nên tưới cây cảnh bằng nước của châu thổ, để cây được uống nước sông, đất đai trong vườn nhớ sông, nhớ trăng.
Cha cũng muốn lưu giữ những kỷ niệm về thời của mình. Cũng để nhớ về anh tôi, mỗi đêm trăng có tình yêu ở bên. Tôi thành thanh niên, đi khắp chốn. Có lần tôi gặp người gánh nước thuê được xét bằng kỷ lục ở tận Quảng Nam. Tôi thầm cảm ơn cuộc đời đã cho ông ấy sự dẻo dai để giữ gìn một công việc mình thích, một vẻ đẹp hiếm có. Rồi lòng tôi tự nhủ, cha tôi, có lẽ cũng đạt mức kỷ lục về người gánh nước để chở ký ức. Ông rất xứng đáng.
Những bộ đồ như thùng, chiếc đòn gánh, dây buộc rồi sẽ đi vào dĩ vãng ở nhiều vùng quê. Nhưng có một điều, hình ảnh người gánh nước, những bộ đồ nghề sẽ được lưu giữ ở trong lòng người, nơi các bảo tàng tư nhân. Còn ở quê tôi, ít nhất, cha tôi còn giữ. Mỗi lần về quê nhìn lại những đồ dùng xưa cũ, bỗng thấy lòng cứ trong trẻo, rưng rưng…