Coi trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là quá trình tác động lâu dài nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, tình cảm và hành vi cá nhân của học sinh. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt vừa mang tính chiến lược, có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn chát, video ghi lại những vụ học sinh, nhóm học sinh giở thói côn đồ, đánh thầy, cô giáo đến mức phải nhập viện cấp cứu hoặc lăng mạ, sỉ nhục giáo viên, khiến dư luận bất bình.
Gần đây nhất là video ghi lại vụ việc nhóm học sinh lớp 7C, Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã dồn cô giáo vào góc lớp, đe dọa kèm theo lời chửi bới, có hành vi xúc phạm giáo viên. Thậm chí cô giáo này còn bị học sinh ném dép nhưng vẫn không dám chống cự mà chỉ dùng điện thoại để ghi lại. Sự việc xảy ra dù có do nguyên nhân từ đâu cũng là vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với nhà giáo.
Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT Tuyên Quang báo cáo rõ vụ việc, rút kinh nghiệm sâu sắc, đồng thời tập trung tăng cường công tác quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo; tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường cần giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; phối hợp chặt chẽ với gia đình và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh, không để xảy ra các vụ việc như trên.
Tại Ninh Bình, những năm qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Các nhà trường xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, góp phần định hình, phát huy những phẩm chất cần thiết, tốt đẹp của nhân cách con người cho mỗi học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hoạt động này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, xuyên suốt từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng, xã hội. Trong đó, giáo dục đạo đức gắn chặt với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, giáo dục trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và lao động hướng nghiệp.
Theo Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD-ĐT, nội dung và yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu của học sinh ở cả bậc Tiểu học, THCS và THPT được thể hiện ở kết quả đầu ra gồm 5 phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: "Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước".
Bám sát quan điểm trên, các nhà trường đã phát động và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua do ngành Giáo dục phát động; các phong trào thi đua của tổ chức Đoàn, Hội, Đội nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc, đất nước được tổ chức thường xuyên. Như tích cực triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025" của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tăng cường các hoạt động giáo dục, hướng dẫn cách sử dụng, khai thác thông tin trên Internet cho thanh, thiếu niên trong trường học. Đồng thời, chủ động phát hiện và phối hợp với cơ quan Công an, chính quyền địa phương xử lý các vấn đề phức tạp về tư tưởng liên quan đến học sinh.
Sở GD-ĐT đã tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các nhà trường tiếp tục xây dựng và duy trì các chuyên mục tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu nhi.
Tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT cho thanh thiếu niên, nhi đồng nhân các ngày lễ lớn trong năm. Phối hợp với Công an tỉnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến, hoạt động của các đối tượng hình sự, đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi thanh niên. Lập hồ sơ số học sinh, thanh thiếu niên hư, chậm tiến thường xuyên vi phạm pháp luật nhưng chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đi cơ sở giáo dưỡng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn...
Ngành Giáo dục cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên dương, vinh danh các tấm gương học sinh tiêu biểu trong học tập và rèn luyện, các hành động cao đẹp, gương người tốt, việc tốt trong học đường. Đã có 100% các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, các đợt quảng bá di sản văn hóa của tỉnh và dân tộc... Qua thực hiện phong trào góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm, ý thức của từng cán bộ, giáo viên, học sinh về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Hàng năm, tỉnh Ninh Bình có nhiều học sinh đạt giải HSG, giải KHKT cấp quốc gia, quốc tế; giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng các cấp; đoạt huy chương vàng, bạc, đồng tại Hội khỏe Phù đổng cấp tỉnh, cấp quốc gia; các kỳ thi, hội thi, giao lưu, sân chơi trí tuệ trong và ngoài nước...
Trong bối cảnh hiện nay, ngoài những nội dung, yêu cầu cần đạt về phẩm chất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, đặc điểm các hoạt động giáo dục được tổ chức ở mỗi nhà trường, đặc thù của mỗi môn học, các nhà trường và mỗi giáo viên cần thực hiện hiệu quả mục tiêu "Dạy chữ đi đôi với dạy người", bằng việc nghiên cứu cập nhật, tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống và khát vọng cống hiến cho học sinh, giúp các em xây dựng ước mơ, hoài bão, mang tài năng, sức lực của cá nhân để đóng góp cho xã hội, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, con người ngày càng hoàn thiện hơn.