Coca-Cola Việt Nam: Chúng tôi không đi một mình trong kinh tế tuần hoàn

Đây là chia sẻ của đại diện Coca-Cola Việt Nam trong lộ trình doanh nghiệp thực thi kinh tế tuần hoàn và EPR tại Việt Nam.

Cần có chính sách sử dụng sản phẩm tái chế và thu gom

Là doanh nghiệp tiên phong trong thực thi trách nhiệm nhà sản xuất về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ (EPR) nhằm góp phần hình thành kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2023, cùng với các nhà tái chế nhựa tại Việt Nam, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam) đã thu gom và tái chế tương ứng hơn 40% bao bì nhựa PET.

Tuy nhiên, để thực thi kinh tế tuần hoàn, trước hết nhà nước cần phải hoàn thiện chính sách về thu gom, định mức kinh tế và cả quy định bắt buộc sử dụng sản phẩm tái chế, tiêu chuẩn cho sản phẩm tái chế với tỷ lệ nguyên liệu tái chế có trong sản phẩm…

Ông Bùi Khánh Nguyên chia sẻ về kinh nghiệm của Coca-Cola trong triển khai kinh tế tuần hoàn nhựa và thực thi EPR

Ông Bùi Khánh Nguyên chia sẻ về kinh nghiệm của Coca-Cola trong triển khai kinh tế tuần hoàn nhựa và thực thi EPR

Ông Bùi Khánh Nguyên - Phó Tổng giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững của Coca-Cola Việt Nam - cho biết: Coca-Cola thực thi EPR từ khá sớm và đó là cả một quá trình mà doanh nghiệp đã chủ động đi tìm kiếm các đối tác. Chính vì lẽ đó, Coca-Cola Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên và sáng lập Tổ chức Liên minh tái chế bao bì Việt Nam.

Trong quá trình này, Coca-Cola Việt Nam không đi một mình. Để tiến về phía trước, cần rất nhiều sự nỗ lực, đồng hành của các bên khác nhau vì bao bì của Coca-Cola sử dụng khá đa dạng và mỗi công ty thường sẽ chuyên về một lĩnh vực nào đó, chúng tôi tìm kiếm các đối tác cả trong và ngoài nước, những bước đi ban đầu đó là trải nghiệm và kinh nghiệm quý giá mà Coca-Cola Việt Nam rút ra được”- ông Nguyên chia sẻ.

Là doanh nghiệp toàn cầu, Coca-Cola Việt Nam may mắn nhận được sự ủng hộ và hướng dẫn về mặt kỹ thuật từ Tập đoàn Coca-Cola (trụ sở tại Mỹ). Luật Bảo vệ môi trường 2005 có quy đinh về EPR (Điều 62), tuy nhiên thời điểm đó, luật khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện, Coca-Cola Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên để thực hiện.

Đến nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 doanh nghiệp bắt buộc phải thực thi, chúng tôi đã có kinh nghiệm trong thực thi EPR với mạng lưới các đối tác cùng đồng hành với mình”- ông Nguyên nhấn mạnh.

Nói về khó khăn trong thực thi EPR, ông Nguyên cho hay, do ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam chưa phát triển, thị trường cung - cầu chưa hình thành rõ ràng, nhất là lực lượng các nhà tái chế và sản xuất. Đơn cử, doanh nghiệp tái chế và công suất tái chế các loại bao bì không phải có ngay giải pháp trên thị trường mà phải cần có thời gian để phát triển, chưa kể đến thách thức trong lĩnh vực thu gom bao bì thải bỏ.

Hiện, lĩnh vực thu gom vẫn dựa trên những người làm nghề đồng nát, ve chai - lực lượng phi chính thức. Họ là một mắt xích quan trọng trong thực thi EPR để tạo dựng kinh tế tuần hoàn nhựa. Tuy nhiên, do là phi chính thức, dẫn đến chất lượng đầu vào khó kiểm soát, chi phí thu gom lớn, không có hóa đơn …

Ông Nguyên khẳng định, những doanh nghiệp như Coca-Cola đang hỗ trợ cho cả khâu đầu vào và đầu ra của quá trình tái chế. Khi doanh nghiệp mua lại một chai nhựa có nguồn gốc tái chế, có nghĩa doanh nghiệp đã trả cho toàn bộ chi phí cho quá trình đó.

Coca-Cola rất mong sau này có thêm chính sách khuyến khích của Nhà nước cho việc sử dụng bao bì có nguồn gốc tái chế - đây mới chính là động lực của kinh tế tuần hoàn”- ông Nguyên khẳng định.

Hiện Coca-Cola đã có nhiều chính sách hỗ trợ lực lượng phi chính thức làm nghề ve chai, đồng nát nhưng mới dừng ở quy mô khá nhỏ và thông qua một dự án tại Đà Nẵng.

Ông Nguyên cho hay: “Động lực thực sự của kinh tế tuần hoàn là biến rác thành tiền. Một bao bì hay một cái lon rơi xuống đất, lập tức có người nhặt lên vì họ có thể đem bán lấy tiền và quy trình thực sự của kinh tế tuần hoàn chính là như vậy.”

Theo ông Nguyên, để tất cả không “văng ra khỏi quỹ đạo” kinh tế tuần hoàn, mỗi nhân tố, thành tố trong chương trình kinh tế tuần hoàn đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện chính sách tạo động lực cho các bên (thu gom, tái chế, phân phối sản phẩm tái chế, sử dụng bao bì tái chế...) thì toàn bộ cỗ máy chuyển động. Các bên chỉ cần tập trung vào công việc của mình, cụ thể ở đây, Coca-Cola chỉ cần thực hiện công việc mua bao bì có nguồn gốc tái chế để tạo ra một vòng tuần hoàn cho sản phẩm.

Mục tiêu cụ thể trong dài hạn

Ông Bùi Khánh Nguyên cho biết: Chúng tôi đang nỗ lực chuyển đổi xanh hướng tới kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải carbon của Coca-Cola bắt đầu bằng việc đề ra những mục tiêu cụ thể trong dài hạn.

Hoạt động vệ sinh môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa của Coca-Cola Việt Nam (Ảnh: Coca-Cola cung cấp)

Hoạt động vệ sinh môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa của Coca-Cola Việt Nam (Ảnh: Coca-Cola cung cấp)

Cụ thể, Coca-Cola Việt Nam đề ra mục tiêu sử dụng 100% bao bì có thể tái chế vào năm 2025 và sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì vào năm 2030, thu gom và tái chế 100% chai hoặc lon được bán ra vào năm 2030. Doanh nghiệp cũng đề ra mục tiêu toàn cầu trong toàn hệ thống hướng đến giảm phát thải ròng 25% vào năm 2030 và hướng tới đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Không phát sinh rác thải ra bãi chôn lấp trong toàn chuỗi vận hành hoạt động cũng chính là mục tiêu dài hạn đầy tham vọng mà công ty đã đặt ra.

Tại Việt Nam, Coca-Cola là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng tuần hoàn bao bì thông qua việc với thiệu chai Coca-Cola được làm từ 100% nhựa tái chế từ vào tháng 9/2022, giúp giảm sử dụng hơn 2.000 tấn nhựa mới tại Việt Nam mỗi năm. Thông qua mối quan hệ đối tác cùng các nhà tái chế nhựa tại Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam đã thu gom và tái chế tương ứng hơn 40% bao bì nhựa PET trong năm 2023.

Đối với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Coca-Cola Việt Nam đề ra những giải pháp mang tính đồng bộ trong toàn chuỗi giá trị bắt đầu từ việc xác định các nguồn phát thải khí nhà kính và giảm lượng phát thải trong toàn chuỗi giá trị của công ty từ nguyên liệu đầu vào, vận hành sản xuất cho đến khi sản phẩm được phân phối đến người tiêu dùng.

Cụ thể, có thể kể đến việc sử dụng nhiên liệu biomass cho việc đốt lò hơi với hệ số phát thải khí nhà kính thấp hơn so với nhiên liệu hóa thạch. Doanh nghiệp cũng đang trong quá trình triển khai thay thế toàn bộ xe nâng sử dụng gas sang sử dụng điện, bố trí lại hệ thống kho lạnh để giảm tiêu thụ điện năng cũng như lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời tạo ra điện năng phục vụ cho sản xuất.

“Trong năm 2023, những giải pháp đồng bộ đã giúp Coca-Cola Việt Nam giảm 1,7% lượng khí thải carbon so với mục tiêu đề ra, mặc dù sản lượng sản xuất tăng 2,7%. Với chiến lược “Vì một thế giới không rác thải” mà Coca‑Cola đang nỗ lực một cách toàn diện để đảm bảo tất cả các vật liệu dùng cho bao bì đều được thu gom và tái chế thay vì trở thành rác thải. Coca‑Cola đã đặt mục tiêu toàn cầu: Đến năm 2030 có thể thu gom và tái chế mọi vỏ chai và lon mà công ty bán ra”- ông Nguyên khẳng định.

Tại Việt Nam, Coca‑Cola đang tích cực hỗ trợ và thúc đẩy các giải pháp thu gom, tái chế phù hợp với từng địa phương. Coca‑Cola Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam (Packaging Recycling Organzation Vietnam - PRO Việt Nam), một sáng kiến hợp tác với nhiều công ty hàng đầu khác, các đơn vị tái chế và cơ quan chính phủ nhằm thúc đẩy nỗ lực thu gom và tái chế bao bì trong nước, hướng tới một Việt Nam sạch và xanh.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/coca-cola-viet-nam-chung-toi-khong-di-mot-minh-trong-kinh-te-tuan-hoan-339310.html