Cổ phiếu 'họ Viettel' đồng loạt tăng trần
Toàn thị trường hồi phục mạnh trong phiên 23/4. Trong đó, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Viettel gồm CTR, VGI, VTP ồ ạt tăng trần.

Nhóm cổ phiếu Viettel bật tăng mạnh sau thời gian dài bị chốt lời. Ảnh: Viettel.
Sau 2 phiên giao dịch đầy bất ổn, đặc biệt là phiên “sảy chân” hôm 22/3, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chào đón sự trở lại của dòng tiền mua. Nhờ hiệu ứng “bắt đáy” hôm qua và diễn biến tích cực của chứng khoán Mỹ, chỉ số VN-Index mở cửa trong sắc xanh với biên độ hơn 18 điểm.
Rung lắc xảy ra ngay sau đó, qua đó thu hẹp nhịp đi lên của VN-Index. Tuy nhiên, phe bán không gây ra quá nhiều áp lực lên chỉ số và tạo điều kiện để phe mua lấy lại ưu thế.
Kết phiên, VN-Index tăng 13,87 điểm (+1,2%) lên 1.211 điểm; HNX-Index tăng 3,74 điểm (+1,8%) lên 211,45 điểm; UPCoM-Index tăng 1,79 điểm (+2%) lên 91,46 điểm.
Thanh khoản trên cả 3 sàn không quá nổi bật, chỉ đạt 20.700 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự hạ nhiệt từ phe bán.
Sắc xanh trở lại bảng điện tử. Toàn thị trường ghi nhận 679 mã tăng (gồm 42 mã tăng trần), 777 mã giữ tham chiếu và 157 mã giảm (gồm 11 mã giảm sàn).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 23 mã tăng, 2 mã đứng giá và 5 mã điều chỉnh. Chỉ số đại diện rổ qua đó tăng gần 13 điểm và tiến lên mốc 1.303 điểm.

VN-Index vẫn biến động với biên độ lớn, chưa ổn định. Ảnh: TradingView.
Phiên giao dịch hôm nay ghi nhận sự trỗi dậy của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, điển hình như TCB (+3,8%), VHM (+1,7%), GVR (+3,8%), BCM (+5,8%), HPG (+2%), VRE (+6,6%), SAB (+4,3%), MWG (+2,6%), ACB (+2%) và MBB (+1,3%).
Chiều ngược lại, cổ phiếu VCB (-0,9%) dẫn đầu nhóm tác động tiêu cực lên chỉ số gồm SSB (-3,7%), VIC (-0,7%), HVN (-1,6%), STB (-1,1%), SHB (-1,5%), GEE (-1,8%), KDC (-0,7%), SGN (-4,4%) và NT2 (-1,4%).
Sau chuỗi ngày thúc đẩy chỉ số chính, cổ phiếu VIC của Vingroup đang trở thành trở lực khi liên tục giảm thời gian gần đây. Dù biên độ giảm hôm nay không lớn, đây đã là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của VIC.
So với mức cao nhất 20 tháng thiết lập vào giữa tháng 4, cổ phiếu VIC đã giảm hơn 20%, qua đó thu hẹp vốn hóa thị trường xuống còn 224.000 tỷ đồng.
Trái lại, 2 cổ phiếu “cùng họ Vin” là VHM của Vinhomes và VRE của Vincom Retail lại được giao dịch tương đối bùng nổ. Diễn biến tích cực diễn ra trong bối cảnh cả 2 doanh nghiệp này đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025.
Với Vinhomes, lãnh đạo nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam đã tiết lộ doanh số quý I đạt 35.000 tỷ đồng, phần lớn đến từ dự án Vinhomes Đan Phượng.
Đánh giá 2025 là năm bản lề của kỷ nguyên phát triển mới, Vinhomes đã thông qua kế hoạch doanh thu và lợi nhuận kỷ lục, lần lượt đạt 180.000 tỷ đồng và 42.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu đạt 9.520 tỷ đồng, tăng hơn 6%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến khoảng 4.700 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2024 và sẽ là mức kỷ lục nếu đạt được.
Đối với quý I, doanh thu của công ty ước đạt 22% kế hoạch năm (gần 2.100 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế bằng 25% kế hoạch năm (khoảng 1.175 tỷ đồng), tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Phiên giao dịch 23/4 chứng kiến sự bứt phá của nhiều cổ phiếu “quen mặt”, trải dài tại nhiều nhóm ngành. Tiêu biểu ở nhóm tài chính có SBS, APG và VIG tăng trần; nhóm sản xuất công nghiệp có BMP, HSG tăng trần; “họ Viettel” cũng có CTR và VTP tăng trần trong khi VGI tăng 9,9%.
Khối ngoại hôm nay ngắt chuỗi mua ròng bằng một phiên bán 100 tỷ đồng, chủ yếu đến từ FPT (-142 tỷ đồng), MBB (-103 tỷ đồng), SHB (-97 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, BAF dẫn đầu danh mục với 69 tỷ đồng, VIC (+50 tỷ đồng), HPG (+47 tỷ đồng).
Nguồn Znews: https://znews.vn/co-phieu-ho-viettel-dong-loat-tang-tran-post1548218.html