Có một thứ tổn thương '3 bên' khi học trò thi vào lớp 10
Dư luận xôn xao về một video ghi lại cuộc họp phụ huynh, trong đó có ý kiến phát biểu của một phụ huynh bức xúc vì giáo viên và nhà trường tư vấn cho con của phụ huynh này rẽ hướng vào trường nghề, chứ không thi vào lớp 10 công lập.
Phân luồng học sinh ráo riết trước kỳ thi vào lớp 10 có phải vội vã?
Trước hết, dư luận xôn xao vì trong buổi họp, vị phụ huynh đã đứng lên đưa ý kiến về việc nhà trường định hướng thay vì thi vào lớp 10 thì học trường nghề đối với con mình. Có thể thấy, đây là cuộc họp phụ huynh được nhà trường tổ chức cũng không ngoài mục đích phân luồng học sinh, chuẩn bị cho kỳ thi khốc liệt nhất đối với các cấp học phổ thông là kỳ thi vào 10 của học sinh.
Vị phụ huynh cho rằng việc nhà trường thường xuyên khuyến khích học sinh theo học trường nghề, dù chưa thi lớp 10 khiến nhiều học sinh "bỏ cuộc" trong cuộc đua vào lớp 10. Tâm lý học sinh sinh ra chểnh mảng, lười học, thiếu ý chí phấn đấu. Với tư cách là cha mẹ, họ không hề muốn như vậy. Vị phụ huynh nhấn mạnh: "Nếu con tôi không đỗ vào lớp 10, gia đình chúng tôi tự có cách lo cho con, không cần nhà trường phải hướng sang học nghề như thế".
Vị phụ huynh này nhấn mạnh rằng tôi cũng đóng học phí như bao người khác, nên mong muốn con cố gắng hết sức để thi vào trung học phổ thông một cách bình thường như bao người.
Hiện tại, dù đã phải làm việc vất vả để kiếm tiền nuôi con ăn học, về nhà phụ huynh còn phải "nịnh" con thi vào lớp 10.
"Cứ để các cháu thi xong đã, không có vội vã gì. Nếu các cháu không thi được thì dứt khoát sẽ chuyển sang trường nghề", vị này nêu quan điểm.
Phải nói ngay rằng, đã nhiều năm nay, việc phân luồng học sinh, định hướng học nghề cho học sinh ngay từ cấp học phổ thông cơ sở chưa hiệu quả vì nhiều lý do. Nay phụ huynh học sinh vẫn còn bức xúc bời bời, quả là công tác phân luồng có khâu, có chỗ chưa hợp lý, chưa thực sự phù hợp với tâm lý gia đình, phụ huynh học sinh và cả học sinh.
Tổn thương tâm lý cho cả thầy - trò, gia đình trong cuộc chiến vào lớp 10
Minh Song Nguyễn - một vị phụ huynh khác chia sẻ quan điểm: Tôi cũng vừa đi họp phụ huynh cho học sinh lớp 9 năm nay mà không phát biểu được điều gì. Tôi thấy thương tất cả: phụ huynh, thầy cô và các em học sinh.
Nỗi "thống khổ" của phụ huynh có con sắp kết thúc chương trình trung học cơ sở bao năm nay đã "hành hạ tâm trí" bao người. Tôi còn quá thấu hiểu cảm giác của phụ huynh khi được nhà trường mời đi họp "phân luồng".
Bản thân tôi diễn 2 lần vai phụ huynh này vì nhà có 2 đứa con cách nhau 4 tuổi đều ở trong giai đoạn áp dụng một chính sách giáo dục. Có khác chăng lần này tôi thuộc nhóm phụ huynh có con trong top đầu về lực học, còn lần trước là top cuối. Hỉ, nộ, ái, ố, lên bổng, xuống trầm của cảm xúc khi họp tôi đã trải qua nên rất thấu hiểu và thông cảm với phụ huynh.
Thật lòng mà nói, phụ huynh không thể quen với suy nghĩ con chỉ học hết... lớp 9, con học bổ túc văn hóa, con học nghề đi làm công nhân. Một phần do ý thức truyền thống trọng việc học cao của người Việt, một phần do cái tôi sĩ diện, phần vì tài chính nhưng cũng có nhiều phần do họ còn hoang mang khi tiếp cận những nhận thức mới về nghề, về việc làm trong thế giới hiện đại với nhiều thay đổi chưa từng có "tiền lệ".
Nhiều người nói phụ huynh không hiểu con, phụ huynh kỳ vọng quá nhiều, phụ huynh sĩ diện... Nói thế cũng chẳng sai điều gì nhưng phụ huynh đáng thương hơn đáng giận.
Phụ huynh cần thời gian để quen với những quan điểm mới và những thay đổi về giáo dục, đào tạo hướng nghiệp.
Về phía thầy cô, thầy cô bị phụ huynh phản ứng gay gắt nhưng thầy cô cũng đâu phải nguyên nhân chính yếu trong cuộc "hiệp đồng" thi vào lớp 10 gồm có 3 bên này. Ở cương vị người dạy học, có lẽ chẳng có thầy cô nào lại không muốn học trò của mình đỗ đạt, thành công.
Nhưng các em học không được, cả năm chỉ loanh quanh ở mức điểm trung bình hoặc yếu thì sao có thể thi được. Tất nhiên, cũng có những trường hợp tiến bộ đột xuất và rồi cũng có thể đáp ứng được khả năng học cao lên một cách... đột xuất, nhưng ít lắm.
Học văn hóa là cả quá trình và cũng cần có tư chất học văn hóa.
Cuối cùng là về học sinh. Có câu chuyện cô giáo kể như sau: Dưới áp lực của phụ huynh yêu cầu cô phải sát sao với việc học của con để thi vào lớp 10, cô đã đã kiểm tra con hàng ngày kiến thức cô đã dạy, kết quả học sinh căng thẳng quay ra "đốp chát" thẳng mặt cô giáo. Nhiều học sinh nói, con chỉ có thể thi trường này nhưng phụ huynh lại muốn con thi trường kia, nhiều lần cô đã phải nói với học sinh, vậy em bảo bố mẹ em đi mà thi! Tuổi dậy thì các em thay đổi tâm sinh lý, nếu cha mẹ, thầy cô không hiểu các em, cộng thêm áp lực học hành thì mắc bệnh là điều dễ hiểu.
Tôi đi họp phụ huynh nhiều lần chưa bao giờ thấy những buổi học cuối cấp lớp 9 của các con là dễ dàng với tất cả. Ai cũng có những nỗi niềm, những khó khăn. Cuộc họp 2 bên vốn dĩ để "hiệp đồng tác chiến" bỗng chốc trở thành nơi để bày tỏ những bức xúc, bất lực không lối thoát.
Trong một khoảng im lặng của buổi họp, tôi bỗng lóe lên một ước ao và hy vọng lúc nào đó giáo dục Việt Nam có thể cá thể hóa cho từng người học. Lúc đó, lớp học không còn cảnh đông đúc bốn, năm chục em để đến mức giáo viên không có đủ thời gian để hiểu từng học trò của mình. Để không còn cảnh một "đơn thuốc" dùng chung cho "tất cả bệnh nhân". Một phương pháp dùng chung đại trà cho tất cả học trò.
Và nếu được như vậy, phụ huynh cũng không còn tư tưởng dàn hàng ngang tiến cho đến hết trung học phổ thông mà sẽ nhìn thấy những điểm mạnh. điểm yếu của con mình trong cả quá trình học tập. Những khả năng tốt đẹp khiến họ tự hào và yên tâm mà không nhất thiết phải là thi đỗ vào lớp 10... công lập.