Có một gallery nghệ thuật
Họa sĩ Trần Xuân Quang, giảng viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa vừa khai trương phòng tranh 'Quang Trần Gallery' của mình tại phố Đinh Bồ, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa). Hy vọng đây sẽ là không gian thu hút người làm nghệ thuật và công chúng yêu mến mỹ thuật.
![Họa sĩ Trần Xuân Quang giới thiệu về các bức tranh trưng bày tại gallery.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_361_51484010/5d271b8928c7c19998d6.jpg)
Họa sĩ Trần Xuân Quang giới thiệu về các bức tranh trưng bày tại gallery.
"Chơi tranh nghệ thuật thực ra không quá tốn kém"
Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Xuân Quang (Trần Quang) về công tác tại Khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Với anh, đây là cơ hội để bản thân tiếp tục đam mê nghệ thuật đồng thời truyền dạy cho các lớp sinh viên những kinh nghiệm làm nghề.
Chốt năm cũ bằng sự kiện khai trương “Quang Trần Gallery” tại địa chỉ: 99/17 Hùng Vương, TP Hội An (Quảng Nam). Và ngay những ngày đầu tiên của năm 2025, anh tiếp tục mở thêm một phòng trưng bày tại chính tư gia ở TP Thanh Hóa. Theo lời giới thiệu của anh trên trang facebook cá nhân: “Quang Trần Gallery", nơi bạn không chỉ đơn thuần nhìn thấy nghệ thuật mà còn được hòa mình vào những trải nghiệm sáng tạo đầy cảm hứng. Tại đây, bạn có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật độc đáo được thể hiện bởi bàn tay tài hoa của họa sĩ Quang Trần. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một câu chuyện, cảm xúc mà họa sĩ muốn truyền tải đến bạn. Nơi mà sự sáng tạo và cảm hứng giao thoa với những điều bất ngờ và sâu sắc từ mỗi tác phẩm. Đó là lý do kéo tôi đến với Gallery này. Một không gian nghệ thuật với sự chăm chút, đầu tư rất kỹ lưỡng".
Chia sẻ lý do gấp rút khai trương, họa sĩ Trần Xuân Quang nói: “Với tư cách người làm nghề, tôi muốn làm một cách hệ thống, chuyên nghiệp; đồng thời giới thiệu đến công chúng thưởng thức nghệ thuật một cách bài bản hơn”.
Thực tế, trên địa bàn TP Thanh Hóa trước đây đã có một vài phòng tranh, tuy nhiên, hầu hết lựa chọn tranh thị trường, tranh chép. Bởi, họ nhìn ra điểm hạn chế rằng, ngay cả các họa sĩ thực thụ cũng khó kiếm sống được bằng tranh nghệ thuật trong khi đó, khách hàng lại chuộng dòng tranh thị trường.
Cũng đã trả giá cho một vài lần “ngẫu hứng” trước đó, đến nay họa sĩ Trần Xuân Quang xác định “Mục đích đầu tiên tôi hướng tới không phải là làm kinh tế. Hơn hết tôi muốn thay đổi thói quen, để mọi người có thể hiểu rằng, chơi tranh nghệ thuật thực ra không quá tốn kém. Với các mức đầu tư khác nhau, ai cũng có thể chơi tranh, thậm chí không chỉ chơi đơn thuần, mà có thể trao đổi được".
Không gian mỹ thuật được mở ra...
Ở “Quang Trần Gallery”, ngắm nhìn những bức tranh được sắp đặt trang trọng, mang đầy dấu ấn và phong cách của các họa sĩ trẻ, tôi thấy chất nữ tính qua hàng loạt bức sơn mài, tranh lụa của họa sĩ Chu Thu khi vẽ về đồng bào dân tộc Dao, Thái...; tôi nhìn ra chất nam tính qua nét vẽ của Nguyễn Chuyên với việc sử dụng gam màu nóng khi vẽ về đàn trâu, về tình cảm mẹ con... tôi cũng nhận thấy sự lãng mạn trong tranh của họa sĩ Phạm Khải và nhìn thấy dòng sông quê qua tranh của họa sĩ Trần Quang... Có thể đó mới chỉ là một phần của gallery song chất nghệ thuật, sự chuyên nghiệp đã thể hiện khá rõ. Đến với phòng tranh, mọi người không chỉ thưởng tranh mà còn được ngắm những chiếc bình lũa, những chiếc ghế qua bàn tay tạo tác của họa sĩ, tượng của điêu khắc gia Lê Đình Quỳ; Trần Xuân Tý... Đây cũng chính là lý do mà họa sĩ Trần Xuân Quang đặt tên là gallery với ý nghĩa: không chỉ đơn thuần trưng bày tranh mà rộng hơn là trưng bày nghệ thuật.
![Niềm vui khi người yêu nghệ thuật tìm được cho mình bức tranh ưng ý.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_361_51484010/ecd0a27e9130786e2121.jpg)
Niềm vui khi người yêu nghệ thuật tìm được cho mình bức tranh ưng ý.
Đối với đời sống mỹ thuật đương đại, đặc biệt ở Thanh Hóa, từ trước tới nay chưa có thị trường tranh nghệ thuật theo đúng nghĩa, dù rất nhiều họa sĩ trưởng thành và tạo dựng tên tuổi từ mảnh đất này. “Liệu thói quen tiêu dùng, mức thu nhập, hay quan điểm thẩm mỹ của “tỉnh lẻ” có khó khăn với hoạt động của gallery không?”. Tôi bày tỏ sự lo lắng với họa sĩ Trần Xuân Quang. Tuy nhiên, họa sĩ đã rất lạc quan: "Chúng ta đang sống ở thời đại 4.0, khoảng cách địa lý có thể rút ngắn bằng một cú nhấp chuột. Vì thế, phải tin tưởng rằng, mọi thứ đều có thể thay đổi. Phòng tranh chỉ là một không gian cụ thể để mọi người có thể trực tiếp tham quan, nhìn thấy hiệu ứng trực tiếp, được giao lưu với chủ nhân của các bức tranh. Còn mọi sự giao dịch trên không gian mạng đều rất nhanh và dễ dàng".
Theo lời của họa sĩ Trần Xuân Quang, khi mở xong phòng tranh ở Hội An, dự định của anh là chờ đợi một thời gian, xem tín hiệu từ thị trường, nếu tốt sẽ mở tại Thanh Hóa. Nhưng như một cái duyên, anh quyết định và thực hiện ngay, một phần vì nhìn thấy sự khởi sắc của đời sống kinh tế, sự thay đổi tư duy sử dụng các sản phẩm nghệ thuật, như anh chia sẻ: “Dù gallery mở ra chưa được lâu, nhưng những hoạt động giao dịch ban đầu cho thấy tín hiệu tốt, giúp tôi tự tin hơn. Qua những kênh truyền thông, mạng xã hội mọi người đã biết và đến tìm hiểu, giao lưu. Đó cũng chính là mục tiêu mà tôi đặt ra". “Nhưng tại sao lại chủ yếu là tranh của các họa sĩ gốc Thanh Hóa?” - tôi hỏi. "Bởi tôi nghĩ chúng ta không tôn vinh chính chúng ta thì ai làm việc đó đây. Hơn hết, chính các tác giả là những cái tên rất riêng, có chất riêng. Rồi đến lúc mình cũng sẽ mở rộng về không gian địa lý và phong cách nghệ thuật của các tác giả. Khi gallery đủ uy tín thì các tác giả tìm đến thay vì bây giờ tôi phải đang tìm tác giả” - họa sĩ Trần Xuân Quang trải lòng.
Họa sĩ còn cho biết, ngoài các xưởng vẽ ra, thì gallery cũng là địa điểm để các sinh viên của anh có thể đến tham khảo, học đi đôi với hành. Và trong thời gian tới, anh sẽ mở những workshop (buổi hội thảo) ngắn hạn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật để có thể làm tranh. Ví dụ, để làm một bức tranh sơn mài, thì việc gắn vỏ trứng, đánh bóng, dán vàng, sử dụng sơn ta thế nào và thậm chí, để có những màu sắc khác nhau, từ màu trắng sang màu vàng, người ta phải rang vỏ trứng trên lửa nhỏ ra sao... Có thể, chưa cần năng khiếu nhưng việc thấu hiểu quy trình làm tranh sẽ giúp mọi người hình dung phần nào kỹ thuật cũng như những khó nhọc, sự đam mê của họa sĩ.
Vạn sự khởi đầu nan, những khó khăn, trở ngại và thách thức có vẻ khá dễ dàng với họa sĩ Trần Xuân Quang. Chặng đường của anh và gallery còn rất dài, đi vào hoạt động khá suôn sẻ nhưng duy trì được nó lại đòi hỏi kinh nghiệm của một người kinh doanh hơn là một trái tim khá lãng mạn của họa sĩ. Song, điều tôi nhìn thấy rõ nhất đó là từ đây, không gian mỹ thuật được mở ra, các họa sĩ có thêm mảnh đất để trưng bày, học hỏi lẫn nhau.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/co-mot-gallery-nghe-thuat-35550.htm