Cơ hội phát triển bảo hiểm bảo lãnh

Quy mô thị trường bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam ước tính đạt hàng triệu tỷ đồng vào những năm tới. Trong khi đó, hàng chục doanh nghiệp bảo hiểm trong và ngoài nước đã tham gia cung ứng các dòng sản phẩm bảo hiểm dạng này.

Nhu cầu của khách hàng ngày càng cao

Theo ghi nhận của Hiệp hội Bảo hiểm tín dụng và bảo lãnh châu Á (AGCIA), tại Việt Nam trong các năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm bảo lãnh (BHBL).

Trước năm 2024, cơ sở pháp lý cho lĩnh vực này được quy định chi tiết tại các Nghị định 68/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; và Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trên thị trường đã có khoảng 8 DNBH tham gia cung ứng các sản phẩm này, bao gồm các công ty lớn như: Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, BIC, MSIG, VBI, SGI.

Từ đầu năm 2024 đến nay khi Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 chính thức có hiệu lực, thị trường xuất hiện thêm nhiều DNBH khác cùng tham gia vào cung ứng đa dạng các loại hình sản phẩm BHBL, bao gồm cả bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng, bảo lãnh bảo hành và nhiều dạng bảo hiểm bảo lãnh khác.

Ghi nhận của Bảo hiểm Bảo Việt trên cơ sở triển khai các dòng BHBL từ năm 2020 đến nay cho thấy, các yêu cầu về bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng với giá trị trung bình từ các DNNVV đang ngày càng gia tăng. Đa số các doanh nghiệp chọn mua BHBL để đảm bảo cho các khoản vay và hợp đồng, đồng thời giải phóng dòng tiền bằng cách giảm thiểu các khoản tiền đặt cọc cần thiết cho các dự án.

Đại diện Công ty Bảo hiểm bảo lãnh SGI cũng cho biết, thời gian qua doanh nghiệp này đã chủ động làm làm việc với các hiệp hội ngành hàng xây dựng và hiệp hội nhà thầu. Hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm đến loại hình bảo lãnh bởi khả năng tối ưu hóa nguồn lực tài chính, nhất là BHBL không yêu cầu tài sản đảm bảo, không bị tính vào hạn mức vay của doanh nghiệp và quy trình thẩm định nhanh chóng hơn so với bảo lãnh ngân hàng.

Theo đánh giá của AGCIA, tính đến nay doanh thu của bảo hiểm tín dụng và BHBL tại Việt Nam chỉ ở mức khoảng 14,8 triệu USD vào cuối 2023 và chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, các năm tới lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh, nhất là các dòng sản phẩm BHBL thực hiện hợp đồng và bảo lãnh dự thầu.

Các chuyên gia của AGCIA ước tính rằng, các năm giai đoạn 2025-2030 nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản tại Việt Nam rất lớn. Quy mô tổng mức đầu tư có thể đạt 3 triệu tỷ đồng vào 2030. Nếu tính sơ lược các nhóm phí BHBL chính ở mức từ 5-15% thì số tiền bảo lãnh cũng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng. Đây chính là cơ hội để các DNBH mở rộng các dòng sản phẩm.

Phát triển các dòng BHBL vi mô

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), hiện nay mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm, nhưng BHBL đang được các DNBH khá chú trọng phát triển.

Ngoài các dòng sản phẩm chính như: bảo hiểm bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh bảo hành; hiện các doanh nghiệp phát triển khá nhiều các sản phẩm BHBL vi mô, như bảo lãnh lòng trung thành, bảo lãnh viện phí, bảo lãnh nộp thuế, xin cấp phép, bảo lãnh đặt cọc tại tòa, bảo lãnh đối ứng và bảo lãnh vay cá nhân.

Quan sát trên thị trường cho thấy, hiện nay hầu như tất các doanh nghiệp bảo hiểm đều đã triển khai các dòng sản phẩm BHBL viện phí liên kết với các bệnh viện và chuỗi cơ sở khám chữa bệnh. Ở góc độ tài chính cá nhân, hiện SGI đã và đang triển khai các sản phẩm BHBL vay cá nhân, thu hút khá đông khách hàng là bên vay của các TCTD với mức phí phổ biến từ 1,28% đến 2,96% (tùy theo kết quả xếp hạng tín dụng của khách hàng).

Trong khi đó, Bảo hiểm Bảo Việt tập trung mạnh vào gói sản phẩm bảo lãnh nghĩa vụ tài chính cho nhà thầu là DNNVV với các dòng sản phẩm BHBL tiền tạm ứng. Theo đó, DNBH có thể bảo lãnh tối đa 30% giá trị hợp đồng, mức phí từ 1-2%, cam kết sẽ bồi thường tổn thất nếu nhà thầu không sử dụng đúng mục đích hoặc không trả lại tiền tạm ứng cho việc thực hiện hợp đồng.

Ở góc độ kinh doanh, xuất nhập khẩu, hiện các DNBH trong nước cũng đã triển khai một số sản phẩm bảo hiểm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Thời gian qua, một số DNBH cũng đã đề xuất Bộ Tài chính và Chính phủ nghiên cứu xây dựng pháp lý, cho phép các DNBH tham gia bảo lãnh thuế quan, bảo lãnh thông quan bên cạnh các NHTM là các đơn vị được phép phát hành bảo lãnh thuế quan theo quy định của pháp luật hiện hành.

Với các diễn biến thuận lợi cả về pháp lý và nhu cầu thực tiễn như phân tích ở trên, các chuyên gia tại AGCIA nhận định rằng, trong vài năm tới Việt Nam sẽ trở thành “điểm đến” khá hấp dẫn của các loại hình BHBL và bảo hiểm tín dụng. Khi các dòng sản phẩm bảo hiểm này trở nên đa dạng, phổ biến; khối doanh nghiệp tư nhân, DNNVV và hộ kinh doanh sẽ có nhiều chọn lựa trong các phương án đảm bảo dòng tiền, cân đối cục diện tài chính kinh doanh, giảm bớt đáng kể rủi ro và tăng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/co-hoi-phat-trien-bao-hiem-bao-lanh-157415.html