Cơ hội lớn cho ngành vật liệu xây dựng
Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn được đẩy nhanh trong quý II/2025 như cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành, đường Vành đai 4, các dự án ven đô thị... giúp lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng (VLXD) sôi động trở lại.
Cơ hội mở ra
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến ngày 30/6/2025, tổng vốn đầu tư công toàn quốc đã giải ngân đạt 268.133,9 tỷ đồng, tương đương 29,6% kế hoạch năm và 32,5% kế hoạch Thủ tướng giao. Điều này cho thấy tốc độ giải ngân tăng 42,3% so với cùng kỳ 2024. Tính riêng tại Hà Nội, có 282 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung. Trong đó, 233 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư đạt 253,7 nghìn tỷ đồng, kế hoạch giải ngân trong năm là 29,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 49 dự án mới được khởi công với tổng vốn đầu tư 6,7 nghìn tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong năm 2,2 nghìn tỷ đồng.
Một số lĩnh vực có mức đầu tư lớn bao gồm: giao thông với 85 dự án, tổng vốn 22,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 72,6% kế hoạch); bảo vệ môi trường 4 dự án với 1,8 nghìn tỷ đồng (5,8%); nông - lâm nghiệp 32 dự án với 1,7 nghìn tỷ đồng (5,5%); y tế, dân số và gia đình 16 dự án với 1,3 nghìn tỷ đồng (4,2%). Đến nay, nhiều công trình trọng điểm đang được thi công khẩn trương, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ các hạng mục đã đề ra.

Thi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn xã Hoài Đức. Ảnh: Hải Linh
Một số dự án trọng điểm có tỷ lệ giải ngân cụ thể như tuyến Vành đai 4 – Vùng Thủ đô dài 112,8km với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 75 nghìn tỷ đồng đã đạt 16,4% kế hoạch; cầu Tứ Liên có tổng vốn khoảng 20 nghìn tỷ đang được triển khai khẩn trương; tuyến Hoàng Cầu – Voi Phục thuộc Vành đai 1 với tổng vốn khoảng 7,2 nghìn tỷ đạt 51,4% giải ngân; Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai có vốn 8,1 nghìn tỷ đã giải ngân đạt 21%; cao tốc nối Đại lộ Thăng Long – Quốc lộ 21 đã giải ngân 31,7%.
Nhờ cú hích này, thị trường VLXD đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi rõ rệt. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sản lượng tiêu thụ nội địa quý II/2025 tăng 5 – 6% so với quý I, đạt gần 32 triệu tấn. Giá xi măng tại nhiều địa phương vẫn giữ ở mức ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu thi công các công trình lớn. Nhiều DN xi măng dự kiến sẽ có lãi trong năm 2025, sau khi trải qua giai đoạn khó khăn.
Còn với ngành thép, theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS Reasearch) sản lượng tiêu thụ thép nội địa dự kiến tăng mạnh 22% so với cùng kỳ, đạt khoảng 7,1 triệu tấn, chủ yếu nhờ giải ngân đầu tư công và sự phục hồi của bất động sản. Thép xây dựng được dự báo tiêu thụ 3,1 triệu tấn (tăng 14% so với cùng kỳ). Đối với HRC, việc áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời 19 – 28% làm giảm chênh lệch giá giữa thép Trung Quốc và Việt Nam còn 50 USD/tấn, giúp thép tấm cuộn cán nóng (HRC) nội địa trở nên cạnh tranh hơn. Trong khi đó giá thép xây dựng tăng nhẹ 1% so với quý trước.
Với việc giá nguyên liệu đầu vào như quặng và than giảm lần lượt 3 và 4% so với cùng kỳ do cung dư từ Úc và Brazil cũng giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp cho các DN sản xuất và tôn mạ (có khả năng hoàn nhập dự phòng). Nhờ giá đầu vào giảm và giá bán ổn định, biên lợi nhuận toàn ngành được kỳ vọng cải thiện rõ rệt trong quý II/2025.
Không chỉ với VLXD truyền thống, các loại vật liệu xanh như gạch không nung, thép có chứng nhận truy xuất nguồn gốc, kính Low-E… cũng ghi nhận mức tăng trưởng đơn hàng từ 20 – 25% so với cùng kỳ, chủ yếu phục vụ các dự án giao thông liên vùng đang được triển khai.
Chưa đủ lực hấp thụ
Mặc dù đầu tư công đang là động lực mạnh mẽ cho ngành xây dựng, nhưng khả năng tiếp cận vốn và tham gia thực sự vẫn không đồng đều, đặc biệt với DN vừa và nhỏ. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong số các DN xây dựng có vay vốn ngân hàng, chỉ có 33,5% tiếp cận được khoản vay ưu đãi, trong khi 66,5% không thể tiếp cận được các gói vay này. Các dự án hạ tầng lớn thường yêu cầu năng lực tài chính, kinh nghiệm và thiết bị chuyên dụng, khiến nhiều đơn vị nhỏ bị loại ngay từ vòng sơ tuyển. Việc chia nhỏ gói thầu, như đang thí điểm tại một số tuyến cao tốc, có thể mở ra cơ hội cho DN vừa và nhỏ tham gia hiệu quả hơn.
Giám đốc Công ty CP Gemtec Nguyễn Văn Thắng cho biết, một thực tế đáng chú ý khác là phần lớn DN trong nước vẫn chưa áp dụng rộng rãi công nghệ thiết kế và thi công hiện đại như BIM, quản lý tiến độ theo thời gian thực hay số hóa vật tư. Trong khi đó, các nhà thầu quốc tế tận dụng những giải pháp này để nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia đấu thầu. “Dòng vốn lớn tạo ra cơ hội, nhưng nếu không có tín dụng hoặc bảo lãnh thanh toán hỗ trợ, DN vừa và nhỏ gần như không thể tham gia các gói thầu lớn” - ông Thắng cho hay
Tại khuôn khổ Hội nghị lấy ý kiến Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển VLXD trong giai đoạn mới” được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngành VLXD Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những ngành công nghiệp chủ lực, đóng góp lớn vào GDP của cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hệ thống chính sách pháp luật về VLXD còn thiếu đồng bộ, quy định pháp luật liên quan đến ngành VLXD với các văn bản nghị định, thông tư khác nhau do nhiều bộ, ngành ban hành cũng dẫn đến còn bất cập, chồng chéo…
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và VLXD Lê Trung Thành cho biết: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu phát triển ngành công nghiệp này theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và sử dụng VLXD mới, thông minh, vật liệu không nung… Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định rõ yêu cầu đổi mới quản lý và phát triển ngành VLXD: ngành VLXD cũng cần được tổ chức theo hướng hiện đại, tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thân thiện với môi trường; đồng thời, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nhất là trí tuệ nhân tạo từ khâu khai thác tài nguyên, sản xuất đến quản lý và sử dụng VLXD trong đời sống.
“Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, các chủ trương lớn của Đảng thể hiện qua các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025. Để bảo đảm tăng trưởng GDP với mục tiêu 2 con số trong giai đoạn 2026 -2030, cần phải có sự tăng trưởng mạnh mẽ của tất cả các ngành sản xuất, trong đó có ngành VLXD” - ông Lê Trung Thành nói.
Khắc phục tình trạng nhiều ngành, địa phương, cơ quan cùng chịu trách nhiệm nhưng không xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính, bảo đảm kết nối từ nguyên liệu, quy trình sản xuất (kiểm soát công nghệ, môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, điện năng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD, các yêu cầu thiết kế, thi công và sử dụng, nghiệm thu VLXD sử dụng trong công trình xây dựng, áp dụng kinh tế xanh, tuần hoàn, tái chế làm nguyên liệu để thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững cho ngành VLXD.
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và VLXD Lê Trung Thành
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-hoi-lon-cho-nganh-vat-lieu-xay-dung.765938.html