Cô gái 21 tuổi hồi sinh kỳ diệu sau ca ghép phổi

Được bệnh viện cho về nhà, cả Anh Thư lẫn gia đình đều mặc định đó là cái tết cuối cùng của cuộc đời mình, không ngờ phép màu đã đến.

 Anh Thư tập vật lý trị liệu sau ca phẫu thuật ghép phổi. Ảnh: VGP/Lê Hương.

Anh Thư tập vật lý trị liệu sau ca phẫu thuật ghép phổi. Ảnh: VGP/Lê Hương.

Một buổi sáng năm 2021, đang trong lớp học, Anh Thư (21 tuổi) bất ngờ cảm thấy khó thở. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ phát hiện phổi của Thư đã có dấu hiệu dính vào nhau. Cô được chuyển khẩn cấp vào phòng phẫu thuật. Tuy nhiên, ca mổ chỉ là giải pháp tạm thời vì phổi của cô khó có thể cầm cự lâu hơn. Cái tên Phạm Anh Thư được đưa vào danh sách chờ ghép tạng ngay sau đó.

Bẵng đi hai năm, trong lần kiểm tra tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Thư bàng hoàng khi biết mức oxy trong phổi đã xuống rất thấp. Cô buộc phải thở oxy để duy trì chức năng phổi.

Chỉ trong ba tháng, căn bệnh phổi đục lỗ khiến cô gái suy kiệt nghiêm trọng. Chiều 28 Tết Giáp Thìn, Thư xuất viện với “bản án tử” lơ lửng trên đầu. Ngay hôm sau, một cuộc điện thoại báo có người chết não hiến phổi với mức độ tương thích rất cao với Thư. Đêm 29 Tết, cô được đẩy vào phòng phẫu thuật.

“Khi tôi tỉnh lại đã là Mùng một Tết. Tôi cảm giác như mình được sinh ra thêm một lần nữa”, Thư chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Anh Thư chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân may mắn được “hồi sinh” nhờ tạng ghép từ người hiến chết não tại Việt Nam trong năm 2024.

Nhiều cuộc đời được hồi sinh

Phát biểu tại Lễ phát động Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi diễn ra ngày 30/12 tại TP.HCM, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định công tác ghép tạng tại Việt Nam đã đạt được những bước tiến mới.

32 năm sau ca ghép tạng đầu tiên thành công vào năm 1992, Việt Nam đã thực hiện được 9.297 ca ghép tạng. Riêng trong năm 2024, số ca ghép đã đạt mốc 1.000, minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc của ngành y tế nước nhà trong việc làm chủ các kỹ thuật chuyên môn trong lĩnh vực này.

Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng cũng được vinh danh là một trong 10 sự kiện y tế tiêu biểu của năm 2024.

Hiện nay, cả nước có 28 bệnh viện đủ điều kiện và được cấp phép thực hiện ghép tạng. Các công nghệ và kỹ thuật y tế của Việt Nam đã đạt trình độ ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trên thế giới.

Đặc biệt, ca ghép phổi thành công tại Bệnh viện Phổi Trung ương, một kỹ thuật được xem là khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng và thường chỉ thực hiện ở các nước phát triển, đánh dấu bước tiến lớn. Bên cạnh đó, ca ghép đồng thời tim và gan trên cùng một bệnh nhân giai đoạn nặng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp tục khẳng định khả năng làm chủ các kỹ thuật y khoa đỉnh cao của đội ngũ y bác sĩ nước nhà.

“Sự thành công của các ca ghép tạng cho thấy Việt Nam đang dần làm chủ các kỹ thuật y học chuyên sâu, đạt được những đột phá trong lĩnh vực ghép tạng và khẳng định vị thế trên bản đồ y khoa thế giới,” đại diện ngành y tế nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu này, công tác hiến tạng tại Việt Nam vẫn tồn tại một nghịch lý.

 PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Kỳ Duyên.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Kỳ Duyên.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, chỉ ra hiện nay, phần lớn nguồn tạng hiến đến từ người sống, trong khi nguồn hiến tạng tiềm năng từ người chết não lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong tổng số 1.000 ca ghép tạng thực hiện năm 2024, có 89% là từ người hiến sống, chỉ 11% từ người chết não.

Thống kê năm 2023 cho thấy Việt Nam có tỷ lệ người hiến tạng sau chết não thấp nhất thế giới, chỉ đạt 0,15%, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia như Mỹ hay Tây Ban Nha lên tới gần 50%.

Tính đến ngày 13/12, Việt Nam ghi nhận 189 ca chết não, gấp 6 lần so với năm trước, trong đó 39 ca đồng ý hiến tạng. Đây cũng là con số cho tạng từ người chết cao kỷ lục tính đến thời điểm hiện tại.

Đề xuất thành lập ngày Hiến tạng Quốc gia

Cũng tại buổi lễ phát động, Bộ trưởng Y tế cũng đã đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển của công tác hiến tạng tại Việt Nam.

Bộ cũng đề xuất Chính phủ chọn ngày 20/5 hàng năm làm Ngày Hiến tạng Quốc gia. Đây là cột mốc gắn liền với lễ phát động Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi lần đầu tiên được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chủ động phát hiện các ca chết não để tư vấn hiến tặng mô tạng, chẩn đoán hồi sức chết não, hiến tặng mô tạng vào hoạt động thường quy của bệnh viện.

Song song đó, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, đề xuất với Quốc hội cho phép sửa đổi luật hiến ghép mô bộ phận cơ thể người và việc hiến lấy xác để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn ngay trong năm 2025.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/co-gai-22-tuoi-hoi-sinh-ky-dieu-sau-ca-ghep-phoi-post1521386.html