Có chính sách luân chuyển GV vùng đặc biệt khó khăn nhưng không thực hiện được
Từ nhiều năm qua, mặc dù Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi đối với giáo viên vùng cao, thế nhưng nhiều quy định lại không thể thực hiện được.
Giáo viên cắm bản vất vả không còn là chuyện mới. Với tinh thần ở đâu có học trò, ở đó có lớp học, rất nhiều thầy giáo, cô giáo đã dành cả tuổi xuân của mình ở những nơi thâm sơn cùng cốc để ươm mầm con chữ, góp phần xây dựng những lớp người mới ở vùng gian khó.
Nhà nước cũng đã có những chính sách ưu đãi cho giáo viên vùng cao nhưng có những quy định trong thực tế rất khó đưa vào cuộc sống. Một trong số đó là việc áp dụng chính sách luân chuyển với giáo viên vùng cao.
Theo quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ và các nghị định sửa đổi bổ sung, văn bản hợp nhất về chính sách đối với cán bộ, giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian được luân chuyển là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam.
Hết thời hạn công tác nói trên, cán bộ, giáo viên được cơ quan có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển hoặc tạo điều kiện để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng.
Đồng thời, các văn bản này cũng quy định, nếu hết thời hạn nói trên, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tình nguyện ở lại tiếp tục công tác và ổn định cuộc sống lâu dài thì được xét để cấp đất làm nhà, làm kinh tế trang trại, kinh tế gia đình và được vay vốn với lãi suất ưu đãi trả dần trong 10 năm…
Quy định là như vậy, nhưng thực tế, nhiều giáo viên ở vùng cao ở Điện Biên luôn trăn trở về việc luân chuyển. Mặc dù theo quy định, họ đã đủ điều kiện để luân chuyển nhưng không thể có chỗ để chuyển đi và cũng không được sắp xếp.
Cùng với đó, khi hết 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam thì các chế độ ưu tiên, thu hút đối với giáo viên, cán bộ quản lý cũng không còn được áp dụng.
Trong một lần trao đổi với phóng viên, thầy giáo Phạm Văn Quynh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) cho biết, thực tế, bên cạnh số anh chị em tình nguyện ở lại gắn bó với trường, với lớp thì cũng có những anh chị em có nguyện vọng chuyển về nơi từng ở và làm việc trước khi luân chuyển để có điều kiện chăm sóc gia đình.
Tuy nhiên, việc này cũng rất khó. Đa số giáo viên gắn bó với trường đều cũng đã đủ thâm niên để chuyển công tác. Hễ ai xin ký quyết định chuyển công tác về quê, hoặc ra vùng thuận lợi, ông đều kỳ và mừng cho anh chị em. Dù là sau khi ký, trường lại thiếu giáo viên, anh chị em ở lại cũng phải gồng lên để đảm bảo các nhiệm vụ giáo dục.
Nhiều lúc anh chị em cũng tâm sự, muốn gắn bó lắm nhưng cuộc sống còn vất vả, ở quê thì còn “cha già, mẹ héo”, các con thì đang trong tuổi ăn, tuổi lớn cần sự chăm sóc của cha mẹ. Tuy nhiên, để luân chuyển về được gần nhà cũng không hề dễ dàng.
Ông Ngô Xuân Chiến - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho rằng, mặc dù những quy định này vẫn còn hiệu lực, nhưng từ nhiều năm nay không thể thực hiện được.
“Nếu như một nửa số giáo viên trong huyện đều đủ điều kiện để luân chuyển thì sẽ chuyển họ đi đâu? Do vậy quy định này rất khó để thực hiện, không chỉ ở Nậm Pồ, Điện Biên mà tất cả các địa phương khác cũng vậy” – ông Chiến nói.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cũng cho rằng vẫn còn có những bất cập trong thực hiện chính sách đối với giáo viên vùng cao hiện nay.
Trong đó việc thực hiện luân chuyển khi giáo viên, cán bộ quản lý có đủ điều kiện rất khó thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, để cán bộ, giáo viên được luân chuyển khỏi vùng đặc biệt khó khăn thì phải có nơi chuyển đến. Trong khi đó lại không có quy định nào yêu cầu giáo viên ở vùng thuận lợi phải luân chuyển đi vùng khó khăn. Đó là chưa kể nếu so với mặt bằng cả nước thì cả tỉnh Điện Biên được coi là vùng khó khăn…
Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, để giải quyết thực trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các cấp có thẩm quyền tham mưu Chính phủ điều chỉnh chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên công tác tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm thu hút, khuyến khích họ gắn bó lâu dài. Đặc biệt là cần có chính sách về đất ở, nhà ở cho đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với địa phương.