Cơ chế DPPA: Mở ra cơ hội mới cho ngành năng lượng Việt Nam

Không chỉ thúc đẩy sự phát triển bền vững, đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp, cơ chế DPPA còn mở ra cơ hội mới cho ngành năng lượng Việt Nam.

Đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp

Không chỉ thúc đẩy sự phát triển bền vững, đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp, cơ chế DPPA còn mở ra cơ hội mới cho ngành năng lượng Việt Nam.

Đó là nội dung nổi bật được các chuyên gia, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước và các địa phương đề cập tại Hội nghị Triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát triển năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA) do Bộ Công Thương tổ chức vào chiều ngày 5/7, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát triển năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (Ảnh: Cấn Dũng)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát triển năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (Ảnh: Cấn Dũng)

DPPA là cơ chế đã được Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ trong nhiều năm thông qua việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá và phân tích đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, tham vấn ý kiến của rất nhiều chuyên gia, tổ chức và cơ quan trong và ngoài nước nhằm đảm bảo rằng cơ chế DPPA không chỉ mang tính hiệu lực, hiệu quả thực thi mà còn đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhu cầu sử dụng điện xanh, sạch của các doanh nghiệp nói riêng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Nghị định số 80/2024/NĐ-CP góp phần thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Cũng đánh giá cao về cơ chế DPPA, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng: Nghị định 80/2024/NĐ-CP về cơ chế DPPA được Chính phủ ban hành, đáp ứng được lòng mong mỏi của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Đây là những bước rất quan trọng để chúng ta có thể thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh” – đại diện EVN cho biết thêm.

Cũng đánh giá cao về cơ chế DPPA, ông Marc E.Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: DPPA là cơ chế quan trọng, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo như cam kết tại COP26, đồng thời thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ luôn song hành với mục tiêu chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam, cam kết cùng với Bộ Công Thương và khách hàng sử dụng điện thực hiện thành công Nghị định 80/2024/NQQ-CP và hướng đến mục tiêu 100% năng lượng tái tạo của doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ông Stuart Livesey (ngồi giữa) phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Cấn Dũng)

Đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ông Stuart Livesey (ngồi giữa) phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Cấn Dũng)

Đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ông Stuart Livesey - Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Copenhagen Offshore Partners Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Điện gió Sơn La cho rằng: Nghị định 80/2024/NĐ-CP giúp thúc đẩy đầu tư vào chuyển dịch năng lượng và tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam vào lĩnh vực năng lượng sạch, giảm gánh nặng với lưới điện quốc gia và cho phép hệ thống truyền tải tiếp tục phát triển.

“Nghị định 80/2024/NĐ-CP về DPPA ban hành là cơ hội cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, mở ra cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo trong và ngoài nước đầu tư vào Việt Nam” – ông Stuart Livesey nhấn mạnh.

Cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện cơ chế DPPA

Theo Bộ Công Thương, với cơ chế DPPA, những khách hàng sử dụng điện lớn có mức sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được mua điện “trực tiếp” từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo với hai chính sách qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia. Riêng với trường hợp mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được tham gia cơ chế là đơn vị phát điện từ điện gió hoặc điện mặt trời với công suất từ 10 MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh, trong khi trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng sẽ không có giới hạn về công suất và loại hình năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép đối với lĩnh vực phát điện theo quy định.

Như vậy không chỉ đánh giá cao cơ chế DPPA, khẳng định Nghị định 80/2024/NĐ-CP sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cho biết, thời gian tới sẽ đồng hành, hỗ trợ cùng Việt Nam trong quá trình thực hiện cơ chế DPPA.

Trong đó, đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ông Stuart Livesey cho rằng: Trong quá trình thực hiện Nghị định, sẽ phát sinh nhiều vấn đề khi áp dụng, nên để triển khai thành công, Việt Nam cần tăng cường đối thoại về các vấn đề liên quan đến DPPA. Theo đó, VBF mong muốn được hợp tác với Bộ Công Thương trong việc thực thi Nghị định.

Đại diện Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản (JBIC), ông Aguin Toru phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Cấn Dũng)

Đại diện Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản (JBIC), ông Aguin Toru phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Cấn Dũng)

Đại diện Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản (JBIC), ông Aguin Toru cũng cho rằng: Trong quá trình xây dựng Nghị định 80/2024/NĐ-CP, JBIC đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp, qua đó nhiều đề xuất của phía JBIC đã được tiếp thu, giúp Nghị định có sự linh hoạt, như mức tiêu thụ điện của doanh nghiệp đã được giảm xuống còn 200.000 kWh/tháng.

Để thực hiện cơ chế DPPA hiệu quả, ông Aguin Toru cho rằng, trong tương lai, Việt Nam cần tăng cường khả năng đáp ứng của lưới điện. Đồng thời, đại diện JBIC cũng cho biết, JBIC sẽ xem xét hỗ trợ vốn để thực hiện các dự án chất lượng cao nhằm phục vụ mục đích phát triển năng lượng và thực hiện Nghị định DPPA tại Việt Nam.

Trong khi đó, bà Suji Kang - đại diện Liên minh Năng lượng sạch châu Á (ACEC) cho rằng: Việc thực hiện cơ chế DPPA thể hiện tầm nhìn chung, hướng đến phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Tuy vậy, trong tương lai, vấn đề quan trọng cần phải làm là tiếp tục hoàn thiện cơ chế với sự hỗ trợ của Chính phủ để có sự linh hoạt cần thiết, nhằm giải quyết những thách thức phát sinh.

“Để phát triển bền vững và giảm phát thải carbon, chúng tôi sẽ đồng hành cùng Việt Nam và các đối tác khai thác hết tiềm năng của cơ chế DPPA và triển khai thành công tại Việt Nam” – bà Suji Kang khẳng định.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Samsung, ông Jung Byung Jin bày tỏ: DPPA là Nghị định được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức mong đợi. Với tư cách là một doanh nghiệp, Samsung sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng tái tạo, nhằm đạt mục tiêu chuyển đổi 100% sang năng lượng tái tạo.

Nguyễn Hòa - Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-che-dppa-mo-ra-co-hoi-moi-cho-nganh-nang-luong-viet-nam-330323.html