Cơ bản hoàn thiện quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, hồ sơ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cơ bản hoàn thiện và đang trình Hội đồng thẩm định Trung ương rà soát theo quy định.
Dự kiến, hồ sơ sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp chuyên đề tháng 10/2023, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023.
Đến tháng 9/2023, tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt 4/7 đồ án quy hoạch vùng huyện, gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà và đang khẩn trương hoàn thiện các đồ án quy hoạch vùng huyện còn lại (Lạc Dương, Đơn Dương, Di Linh, Đam Rông, Bảo Lâm và Đức Trọng) trong năm 2023. Địa phương cũng đã phê duyệt, tổ chức công bố quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040, đang triển khai lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.
Theo đánh giá, công tác triển khai lập các quy hoạch đã bám sát các yêu cầu về chất lượng và tiến độ do Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu, làm cơ sở thu hút đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Hoạt động du lịch tỉnh Đắk Lắk có nhiều khởi sắc
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối du lịch với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch như: Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 - năm 2023, giải đua xe địa hình với chủ đề “Thử thách vượt Đại ngàn-Buôn Đôn 2023”... nên hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, số lượng khách và doanh thu dịch vụ du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, tổng số khách đến Đắk Lắk đạt 1.158.174 lượt khách, tăng 65,47% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách lưu trú là 834.282 lượt khách, tăng 79,99%, gồm khách quốc tế 23.853 lượt, khách trong nước 810.429 lượt; số lượng khách trong ngày là 323.892 lượt, tăng 36,99%... Doanh thu dịch vụ lưu trú trong 9 tháng đầu năm đạt 495,8 tỷ đồng, tăng 18,12%; dịch vụ ăn uống đạt 5.642,8 tỷ đồng, tăng 6,99%; dịch vụ lữ hành và hỗ trợ du lịch đạt 46,8 tỷ đồng, tăng 24,66%...
Nâng cấp Vườn Quốc gia Tà Đùng trực thuộc tỉnh Đắk Nông
Tỉnh Đắk Nông vừa tổ chức lễ công bố nâng hạng Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng từ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, tên đầy đủ của đơn vị này sau tổ chức lại là Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng tỉnh Đắk Nông. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, có trụ sở làm việc tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Lãnh đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng tỉnh Đắk Nông sẽ có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc. Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng tỉnh Đắk Nông có thể kiêm nhiệm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng tỉnh Đắk Nông có 3 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 3 đơn vị trực thuộc.
Tất cả các công chức, viên chức, người lao động của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ được chuyển giao nguyên trạng về Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng tỉnh Đắk Nông.
Kon Tum vinh danh các nghệ nhân nghề truyền thống
Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân, hộ gia đình, cơ sở nghề truyền thống có nhiều thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống năm 2023.
Đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Kon Tum từ xa xưa đã hình thành, xuất hiện, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; trong đó, có các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, nấu rượu cần, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm…, qua đó tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo và nền tảng tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội nghị, có 6 nghệ nhân, cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen; 23 nghệ nhân, cá nhân được Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ.