Có 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ được quảng bá, bao tiêu sau thu hoạch
Ngày 17/1, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh (thành phố Sóc Trăng), Ban Quản lý Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc sở; lãnh đạo phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn; hộ dân tham gia thực hiện đề án trên địa bàn toàn tỉnh.
![Quang cảnh hội nghị. Ảnh: THÚY LIỄU](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_01_17_451_51273410/c743f07f3f30d66e8f21.jpg)
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: THÚY LIỄU
Trong năm 2024, Ban Quản lý Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 2 cuộc tham quan, học tập mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong và ngoài nước; tổ chức 40 lớp tập huấn cho 800 lượt nông dân sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh; tổ chức 10 lớp tập huấn ủ phân hữu cơ cho 100 lượt nông dân sản xuất các mô hình trong đề án. Triển khai 14 mô hình sản xuất hữu cơ trên lúa, xoài, bưởi da xanh, hành tím, rau màu, mãng cầu gai, ổi rubi, dừa dứa, thanh nhãn, ngò gai, bò, dê… Hầu hết các mô hình, sau khi thực hiện sản xuất hữu cơ đều đạt chứng nhận hữu cơ. Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất hữu cơ, Ban Quản lý Đề án đã phối hợp các địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát trong mô hình; hỗ trợ 50% vật tư đầu vào cho hộ tham gia mô hình; lấy các mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất và hàm lượng dinh dưỡng. Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ; giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ. Tham gia các hội nghị, hội thảo liên kết trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ 14 mô hình xây dựng tem truy xuất nguồn gốc trên mô hình lúa - tôm, bò, dừa dứa, mãng cầu gai, chanh không hạt, bưởi da xanh…
Năm 2025, Ban Quản lý Đề án sẽ tiếp tục tuyên truyền các nội dung của đề án đến các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp triển khai thực hiện. Tổ chức các lớp nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân. Hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật sản xuất và thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cho các mô hình trong đề án. Hỗ trợ chi phí đánh giá chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam cho điểm mô hình. Mời gọi doanh nghiệp đã từng tham gia thu mua nông sản của nông dân tại địa phương để thảo luận kết nối tham gia đề án, ký kết bao tiêu sản phẩm với tổ chức nông dân trong thời gian chuyển đổi đến khi đạt chứng nhận hữu cơ. Tiếp tục hỗ trợ 50% vật tư đầu vào cho các mô hình sản xuất hữu cơ. Tuyên truyền xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm hữu cơ tại các hội chợ, hội thảo, hội nghị trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Tổ chức trưng bày, giới thiệu và xuất khẩu hàng hóa qua gian hàng chung, trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Dịp này, có 11 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ; có 5 tập thể và 15 cá nhân được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng giấy khen, vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, năm 2024.