Chuyên gia: Phản khoa học trong cách tính sao tốt, sao xấu

Dâng sao giải hạn, sao tốt, sao xấu... dựa trên những quan niệm không có cơ sở khoa học, chỉ mang tính quan niệm tín ngưỡng nhưng ảnh hưởng không ít đến tâm lý và cuộc sống của nhiều người.

Cách tính sao tốt, sao xấu dựa trên cơ sở nào?

Theo quan niệm của nhiều người, mỗi năm mỗi người lại có một chòm sao chiếu mệnh khác nhau. Theo đó, sẽ có 9 chòm sao chiếu mệnh (cửu diệu), trong đó có các sao tốt như Thủy Diệu, Thái Âm, Thái Dương, Mộc Đức và các sao xấu như La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hớn. Đối với mỗi con người, năm nào được sao tốt chiếu mệnh, sẽ gặp được nhiều điều may mắn như phát tài phát lộc, học hành đỗ đạt, thăng quan tiến chức, ăn nên làm ra; còn bị sao xấu chiếu sẽ gặp nhiều rủi ro như làm ăn thua lỗ, ốm đau bệnh tật hoặc xui xẻo trong chuyện tình cảm... Chu kỳ là 9 năm 1 lần, mỗi chòm sao sẽ chiếu mệnh một lần đối với mỗi người. Chính vì vậy, nếu gặp năm bị sao xấu chiếu mệnh thì ngay đầu năm phải làm lễ cúng dâng sao để giải hạn, mong giải đi những điều xấu, rủi ro.

Dâng sao giải hạn là tín ngưỡng, không có cơ sở khoa học.

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam khẳng định: Các thiên thể trên bầu trời thực tế đều cách rất xa chúng ta và đều là những thực thể vật lý mà ngày nay các nhà khoa học đã xác định được rất rõ ràng. Do đó, không thể gắn cho các thiên thể chức năng "chiếu mệnh"con người. Mọi việc xảy ra với chúng ta đều có nguồn gốc hết sức rõ ràng từ yếu tốt chủ quan (do chúng ta quyết định) và khách quan (tác động của ngoại cảnh như thiên nhiên, xã hội) chứ không phải do các vì sao.

Trước đây, khi chưa tiếp xúc với văn hóa phương Tây, người phương Đông có cách quy ước các chòm sao riêng và phân nhóm chúng dựa theo vị trí trên bầu trời thành những khu vực riêng như Tam Viên (gồm Tử Vi, Thái Vi, Thiên Thị) hay Nhị Thập Bát Tú,...

Ban đầu, việc xác lập các chòm sao không phải để phục vụ mục đích dự đoán tương lai hay số mệnh. Tuy nhiên, sau khi các chòm sao được xác lập rồi, người ta mới dần gán cho chúng những ý nghĩa về số mệnh con người, và đó là khi tử vi ra đời. Riêng việc cúng sao giải hạn theo kiểu phổ biến hiện nay thì ngoài việc dựa vào tử vi, người Việt Nam ta thường dựa vào Cửu Diệu vốn có nguồn gốc ban đầu từ Ấn Độ trước khi sang Trung Quốc và Việt Nam.

Đây là những thiên thể không cố định như các sao trong mỗi chòm sao mà có sự dịch chuyển hàng ngày. Cửu Diệu gồm 7 thiên thể được quan sát thấy là Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ (tên gọi trong Cửu Diệu là Thái dương, Thái Âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, Thái bạch). Ngoài ra, còn có hai thiên thể tưởng tượng nữa là La Hầu và Kế Đô.

Nếu việc dâng sao giải hạn chỉ là tín ngưỡng, không ảnh hưởng gì đến đời sống thì không có gì đáng bàn. Nhưng hiện có rất nhiều người tốn kém tiền của để dâng sao giải hạn, lợi cho những kẻ không lương thiện mà không đem lại lợi ích nào.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn ví dụ, sao Kim, hành tinh thứ hai của Hệ Mặt Trời được gọi là Thái Bạch trong quan niệm Cửu Diệu của người phương Đông (vốn lai tạp hai dòng văn hóa có xuất xứ Trung Quốc và Ấn Độ) - một quan niệm thuần túy văn hóa chứ không liên quan gì tới số phận của ai cả, nhất là khi có tới hai thiên thể trong số đó đã được người ta bịa ra.

Cho tới nay, có thể khẳng định rằng không có bất cứ hình thức dự đoán tương lai, số mệnh nào là có cơ sở khoa học. Một sự việc xảy ra với một ai đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố tự nhiên cũng như xã hội. Các thiên thể trên bầu trời thực tế đều cách rất xa chúng ta và đều là những thực thể vật lý mà ngày nay các nhà khoa học đã xác định được rất rõ ràng.

Chẳng hạn như Thái Bạch trên thực tế là Sao Kim - hành tinh thứ hai của Hệ Mặt Trời. Ngay cả lúc ở gần nhất, hành tinh này cũng cách chúng ta tới 38 triệu km. Nếu có tác động của các thiên thể trong Hệ Mặt Trời lên hành tinh chúng ta thì đó là sự ảnh hưởng của lực hấp dẫn, và lực hấp dẫn tác động lên toàn bộ hành tinh chứ không có lý gì nó lại chọn tác động lên người tuổi này và bỏ qua người tuổi khác.

La Hầu, Kế Đô là sao xấu?

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết, La Hầu và Kế Đô (nguyên gốc từ Ấn Độ là Rahu và Ketu) là hai thiên thể tưởng tượng. Xưa kia, người ta không giải thích được việc xuất hiện nhật thực và nguyệt thực nên cho rằng đó là khi hai thiên thể này xuất hiện gây ra sự che khuất của Mặt Trời hoặc Mặt Trăng. Ngày nay, chúng ta có hàng trăm đài quan sát chuyên nghiệp cả mặt đất cũng như không gian và đều biết rằng chúng không tồn tại. Bản thân việc đó cũng nói lên rằng việc cúng bái này là không có cơ sở, bởi thiên thể không tồn tại thì không thể "chiếu mệnh" cho bất cứ ai.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn khẳng định, không có bằng chứng nào về tương tác của những thiên thể xa xôi như các hành tinh trong Hệ Mặt Trời hay thậm chí là những ngôi sao cách chúng ta nhiều năm ánh sáng tới sức khỏe hay tâm lý của con người. Các nhà vật lý đều biết rằng loại tương tác duy nhất có thể truyền qua không gian liên hành tinh chính là lực hấp dẫn. Nhưng lực đó yếu tới mức mà các hành tinh chẳng thể gây ảnh hưởng đáng kể tới quỹ đạo của nhau chứ đừng nói là tác động tới những đối tượng có khối lượng quá đỗi nhỏ bé như con người ở khoảng cách đó (vì lực hấp dẫn tỷ lệ thuận với khối lượng và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách).

"Theo tôi, tín ngưỡng là một phần của văn hóa ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và bất cứ ai cũng có thể giữ tín ngưỡng cho mình. Tuy nhiên, tín ngưỡng thuần túy khác khá nhiều với việc gắn chặt những niềm tin thiếu cơ sở, vô điều kiện vào thực tế cuộc sống. Nếu số phận được định trước thì hóa ra mọi quyết định và hành động của chúng ta đều không còn ý nghĩa? Mọi việc xảy tới với chúng ta đều có nguồn gốc hết sức rõ ràng từ yếu tố chủ quan (do chúng ta quyết định) và khách quan (tác động của ngoại cảnh như thiên nhiên, xã hội - không phải từ các sao). Do đó, dù chúng ta thường khó chắc chắn về yếu tố khách quan nhưng chúng ta luôn nắm quyền chủ động ở phần chủ quan của mình", ông Đặng Vũ Tuấn Sơn nói.

TS Vũ Thế khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học UIA cho biết, thay vì dâng sao giải hạn một cách thụ động, cầu tha lực thì bản thân mỗi người hãy chủ động dùng pháp "đối trị tâm linh" để có thể tự giải hạn cho chính mình. Không làm các việc phi pháp, không buôn bán gian lận, không tàng trữ mua bán đồ quốc cấm, không lừa đảo, không tuyên truyền tà đạo mê tín… thì quanh năm sẽ được an bình, tránh xa được vòng lao lý.

Cẩn trọng trong lời nói, giao tiếp, thực hành nhẫn nhục, không ham danh lợi, không nói đâm thọc, không gièm pha, không vu khống, không a dua, không lừa lọc thì tránh được thị phi, tránh được kiện tụng, tránh được khẩu nghiệp. Không khởi tâm làm ác, không đồng lõa với kẻ bất lương …thì tránh được hạn Tam tai, tránh được "đồng hành lâm khổ nạn". Giữ tâm bình khí hòa, thực hành các thuật dưỡng sinh, thực hành từ bi, hỷ xả, không sát sanh hại mạng, thực hành pháp "nhẫn Ba La Mật" để kiềm chế thất tình lục dục… thì tránh được tai ương bệnh tật...

Theo chuyên gia, thay vì cũng giải hạn hay cầu may mắn, chúng ta có thể dành thời gian và cả tài chính cho việc duy trì và cải thiện sức khỏe, nâng cao tri thức và kỹ năng, xác lập những kế hoạch cho chính công việc của mình - đó là cách thực tế nhất để có cuộc sống hạnh phúc và thành công.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-phan-khoa-hoc-trong-cach-tinh-sao-tot-sao-xau-169240130110920368.htm