Chuyên gia: Du lịch Đà Nẵng hấp dẫn, 'vô duyên' khi cứ đi du lịch biển ở Phuket

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch chia sẻ: Đã từng có lúc thấy 'quá vô duyên' khi cứ đi du lịch biển ở Phuket (Thái Lan) hay một số nơi khác, trong khi Đà Nẵng rất hấp dẫn.

Du lịch Đà Nẵng bứt phá

Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Đà Nẵng là một trong những địa phương chủ lực thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nhờ đó, Đà Nẵng đã thu hút được rất nhiều dự án du lịch mang tầm cỡ quốc tế.

Trong hội thảo “Phát triển Đà Nẵng, xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND Đà Nẵng cho rằng: Ngành du lịch Đà Nẵng dù có đà tăng trưởng rất mạnh, thế nhưng, đại dịch COVID-19 đã khiến du lịch Đà Nẵng gần như tê liệt trong suốt 2 năm qua.

Ông Hồ Kỳ Minh phát biểu tại Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”.

Tuy nhiên, sau khi Chính phủ mở cửa du lịch quốc tế, ngành du lịch Đà Nẵng đã có bước bứt phá rất nhanh, nhất là vào thời điểm cuối quý I/2022.

Theo báo cáo nhanh của lãnh đạo UBND Đà Nẵng, tới thời điểm hiện tại, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70-75%. Doanh thu du lịch 6 tháng ước tăng 41% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu dịch vụ lưu trú quý II/2022 gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Thống kê từ khi “mở cửa bầu trời” tới cuối tháng 6/2022, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách. Và ngày 24/6 vừa qua, Đà Nẵng đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế tới thành phố, con số kỷ lục, vượt mốc cao nhất của năm 2019, thời điểm dịch bệnh chưa xảy ra.

Để tiếp thêm “nhiên liệu” cho ngành du lịch, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho biết: dự kiến 6 tháng cuối năm 2022, sẽ có 15 hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia… đến Đà Nẵng với tổng tần suất 90 chuyến/tuần. Ngoài ra, thành phố cũng dự kiến xúc tiến mở đường bay tới Ấn độ, Philippines.

“Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho du lịch Đà Nẵng sau hơn 2 năm chịu tác động chưa từng có bởi bão Covid-19. Để nắm cơ hội từ làn sóng du lịch sau đại dịch, Đà Nẵng cũng đứng trước thách thức làm mới chính mình, làm sao để duy trì sức hấp dẫn trong mắt du khách, xứng danh thành phố đáng đến”. ông Minh cho biết.

“Quá vô duyên” khi đi du lịch biển ở Phuket

Giải thích cho sức hút của du lịch Đà Nẵng tăng trưởng thần tốc trong thời gian qua, TS Lương Hoài Nam, thành Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch chia sẻ, Đà Nẵng là điểm đến số 1, điểm đến tốt nhất Việt Nam, chỉ rộng 1.000 km2 nhưng Đà nẵng có tất cả mọi thứ, từ đô thị xinh xắn, là một trong những nơi biển đẹp nhất châu Á, nằm trong các bãi biển đẹp nhất thế giới, hệ sinh thái về du lịch là số 1 Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo.

Sau khẳng định trên, ông Nam cũng chia sẻ rằng đã từng có lúc thấy "quá vô duyên" khi cứ đi du lịch biển ở Phuket (Thái Lan) hay một số nơi khác.

Với những lợi thế này, ông Nam cho rằng Đà Nẵng đang xác định rất đúng là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nếu với cả nước du lịch đóng góp 9% vào GDP thì Đà Nẵng phải tận dụng mọi cơ hội, tiềm năng để đóng góp vào tăng trưởng cao hơn, khoảng 15% mới xứng đáng với tiềm năng.

Với quan sát của mình, ông Nam cũng nhận xét, Đà Nẵng có sự thận trọng hơn trong chống dịch, nên thành phố này mở cửa chậm hơn các địa phương khác một chút.

Nhưng hiện nay khách nội địa đến Đà Nẵng đã đông trở lại. Với các hoạt động xúc tiến vừa qua của Thành phố và các doanh nghiệp, vị chuyên gia này tin rằng, thời gian tới Đà Nẵng sẽ phục hồi nhanh hơn.

Về khách quốc tế, ông Nam cho rằng sẽ khó khăn hơn bởi các ảnh hưởng về dịch bệnh, chiến tranh vẫn nhiều nên để phục hồi các thị trường quốc tế là không hề đơn giản.

Ông Nam cũng nhắc đến con số ấn tượng trước khi có đại dịch, thì cứ hai tuần ngành du lịch Việt Nam kiếm được 1 tỷ USD từ khách quốc tế, hiếm có ngành nào có doanh thu khủng như vậy.

Nhưng bối cảnh hiện nay, theo ông Nam, cần thiết vừa tranh thủ khai thác nội địa thật tốt, vừa cố gắng tối đa khai thác các đường bay quốc tế, và cũng là thời điểm có để đầu tư thỏa đáng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để phục hồi và phát triển du lịch mạnh hơn.

Tại hội thảo, ông Nam cũng nêu một lo ngại về lâu dài, nếu không cẩn thận, sân bay Đà Nẵng có thể sẽ là nút thắt trong phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng.

Theo ông Nam, sân bay Đà Nẵng hoàn toàn có thể đưa công suất lên 30- 40 triệu khách/ năm và phát triển nhanh về phía Đông. Phải nhanh để đón cơ hội sau đại dịch, ông Nam nhấn mạnh.

"Tôi tin rằng, du lịch Đà Nẵng còn rất nhiều cơ hội phát triển. Đà Nẵng có diện tích gấp rưỡi Singapore nhưng hiện nay lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng rất ít so với Singapore", ông Nam nói.

Cũng trong buổi hội thảo, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng giờ đây không chỉ xác định là điểm đến quốc gia mà là điểm đến khu vực".

Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa, ông Dũng cho rằng, Đà Nẵng nên phát triển các sản phẩm du lịch biển cao cấp, đồng thời phải biết kết hợp với du lịch văn hóa.

Đến thời điểm này, Đà Nẵng chưa có sản phẩm vươn ra biển, vịnh. Chúng ta chưa khai thác được hệ sinh thái bãi Đá Đen, bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng, bãi Nam Hòn Sụp. Đặc biệt, Đà Nẵng hiện chưa có tour ra biển, rất thiếu tour này với các vùng biển du lịch khác.

"Cộng với sông Cổ Cò, Đà Nẵng phải thông cho được tuyến sông này với Hội An. Sông Cổ Còn sau khi khơi thông, 2 bên bờ có thể hình thành làng nghề, vui chơi giải trí, trở thành thương hiệu mới của Đà Nẵng", ông Dũng chia sẻ.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-du-lich-da-nang-hap-dan-vo-duyen-khi-cu-di-du-lich-bien-o-phuket-post201281.html