Chuyển đổi xanh thách thức của doanh nghiệp trong phát triển bền vững

Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế xanh có mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chuyển đổi xanh đang là thách thức của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng chuyển đổi xanh chính là giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững...

Tài chính xanh là một trong những thách thức của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh

Tài chính xanh là một trong những thách thức của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh

CHUYỂN ĐỔI XANH

Một nền kinh tế xanh sẽ gắn liền với những nhà máy, xí nghiệp ít khói bụi; nguồn năng lượng sử dụng sạch và có thể tái tạo, thân thiện với môi trường; trong khi tài nguyên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học đang bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét,... Kinh tế xanh cho kết quả là, hoạt động sản xuất và kinh doanh không dùng chất độc hại gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người...

Nhiều quốc gia lựa chọn kinh tế xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng bộ những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình kinh tế xanh ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo... Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các quốc gia nên tập trung nguồn lực hướng đến phát triển nền kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn...

Một nền kinh tế carbon thấp (Low Carbon Economy-LCE, low-fossil-fuel economy LFFE), hoặc kinh tế không carbon là một nền kinh tế dựa trên các nguồn năng lượng ít carbon, có một sản lượng tối thiểu phát thải khí nhà kính (GHG) vào sinh quyển. Nền kinh tế carbon thấp (hay kinh tế không carbon) là một nền kinh tế phát triển dựa trên các nguồn năng lượng không sản sinh ra khí carbon gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu...

Chuyển đổi xanh đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, đây cũng là một trong những giải pháp được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường. Hoạt động này gồm nhiều hạng mục như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn. Chuyển đổi xanh đang là ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia. Chuyển đổi xanh mang đến cơ hội tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp, gắn với lợi ích bền vững cho cộng đồng về văn hóa, xã hội và môi trường...

Trong chuyển đổi xanh tăng trưởng doanh thu và tạo việc làm được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư công và tư, với đặc điểm là sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, chất thải và ô nhiễm, ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái. Công nghệ xanh và các ngành công nghiệp xanh là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia về chuyển đổi xanh.

Công ty B'Lao Food (Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) chuyên sản xuất, chế biến các loại trái cây, rau, củ. Ảnh: K.P

Công ty B'Lao Food (Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) chuyên sản xuất, chế biến các loại trái cây, rau, củ. Ảnh: K.P

THÁCH THỨC CỦA DOANH NGHIỆP

Thời gian qua, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy chuyển đổi xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh... Tuy nhiên, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trong khi đó, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam chiếm đa số, nhưng chưa được quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét... Theo thống kê, chuyển đổi xanh mới chỉ chiếm khoảng 5% quy mô nền kinh tế, kinh tế nâu (kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, chưa quan tâm đến các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên) vẫn tới 95% quy mô nền kinh tế...

Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các rào cản chính bao gồm: hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ... Theo các chuyên gia, có 5 khía cạnh mà mọi doanh nghiệp cần phải tính đến để tăng trưởng xanh bền vững với chuyển đổi xanh, bao gồm: kiểm soát và giảm tiêu thụ năng lượng và vật liệu, tối ưu hóa hoạt động, sử dụng nguyên vật liệu có thể tái chế, ứng dụng công nghệ để tối ưu tài nguyên, kiểm soát và xử lý chất thải.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, bên cạnh những cơ hội và lợi ích, chuyển đổi xanh cũng đặt ra các thách thức và khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là ở Việt Nam - một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với nền kinh tế và văn hóa đa dạng. Đó là tài chính, nhận thức và hiểu biết về lợi ích dài hạn của chuyển đổi xanh, chính sách hỗ trợ và biện pháp khuyến khích chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp...

Cuối tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại diện dự án USAID IPSC) tổ chức Hội thảo “Xanh hóa doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh” cho doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng: Kinh tế xanh, tài chính xanh, tín dụng xanh, doanh nghiệp xanh, chuyển đổi xanh... là những khái niệm hoàn toàn mới. Do vậy, chuyển đổi xanh đang là thách thức đối với các doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, thách thức lớn nhất của chuyển đổi xanh - ngoài hiểu biết, nhận thức và quyết tâm của các doanh nghiệp, cũng như những hỗ trợ cần thiết từ chính quyền về chính sách..., chính là cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính xanh...

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202408/chuyen-doi-xanh-thach-thuc-cua-doanh-nghiep-trong-phat-trien-ben-vung-c77226f/