Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Nhiều thách thức
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) vừa tổ chức Hội thảo khoa học 'Chuyển đổi số: Xu thế phát triển trong giáo dục đại học' với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành và đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyển đổi số, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam cùng hàng nghìn sinh viên, học viên đến từ các trường đại học khu vực phía Nam.
Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu và mang tính toàn cầu. Có thể hình dung một cách đơn giản chuyển đổi số là chuyển hoạt động từ thế giới thực sang thế giới ảo, trên môi trường mạng. Những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho nhân loại là không phải bàn cãi. Nó giúp chúng ta tiếp cận thông tin nhiều, nhanh và chính xác hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian và các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên.
Nội dung chuyển đổi số rất đa dạng như chính phủ số (dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông, y tế, giáo dục).
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Lê Khắc Cường - Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết: “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều trường nhằm hướng đến mô hình đại học thông minh, với những ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật số sử dụng trong các hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập, giúp giáo dục Việt Nam hội nhập với hệ thống giáo dục đại học tiên tiến của thế giới. Hội thảo sẽ là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục chia sẻ kinh nghiệm thực tế chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và có những đề xuất thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam”.
Hơn 70 bài tham luận của các nhà khoa học, giảng viên đến từ 26 trường đại học, học viện trên cả nước đã gửi đến Hội thảo trình bày một số ứng dụng của kỹ thuật số trong giáo dục đại học phổ biến ở Việt Nam. Những bài tham luận nổi bật sẽ được trình bày, đặc biệt với sự chia sẻ của PGS. TS Đỗ Văn Nhơn - Trưởng Khoa Công nghệ - Kỹ thuật, Trưởng ngành Công nghệ thông tin HIU, với nội dung: “Các hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong giáo dục”.
Theo PGS. TS Đỗ Văn Nhơn, nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng cụ thể đã được xây dựng như hệ thống hỗ trợ tìm kiếm, truy vấn, hỏi đáp trong đào tạo và tìm kiếm tài liệu, hệ thống giải bài toán thông minh, hệ quản lý kho tài nguyên học tập và hỗ trợ tìm kiếm. Người học sẽ được hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn bởi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ học tập kiến thức và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề chuyên môn.
PGS. TS Đỗ Văn Nhơn cho biết thêm, khoảng 10 năm trở lại đây, ngành giáo dục đã có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, học tập, phát huy khả năng tư duy sáng tạo, chủ động và giúp người học có thể tiếp cận tri thức mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, tiến trình áp dụng các công nghệ mới trong giáo dục đại học tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như thiếu tài nguyên số, thiếu đội ngũ nhân lực được đào tạo chính quy khi chuyển đổi sang hệ thống giáo dục đại học số và cần tăng cường an ninh thông tin nhằm đảm bảo về tính chính xác thông tin và quyền sở hữu trí tuệ.
Mặc dù phải đối mặt với một số thách thức, các nhà khoa học đều khẳng định chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu không thể đảo ngược của giáo dục đại học.
Tham gia Hội thảo, các nhà quản lý giáo dục và đội ngũ giảng viên thêm hiểu và có cái nhìn tổng thể về chuyển đổi số, từ đó có thể ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và nghiên cứu. Các sinh viên, học viên sẽ được lắng nghe những thông tin chuyên sâu, những minh chứng và kết luận của các nhà khoa học, giảng viên cao cấp, tiếp cận trực tiếp với lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng tất yếu của xã hội.