Chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính
Chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu tất yếu để hiện đại hóa nền hành chính quốc gia. Việc chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính cần được triển khai quyết liệt, linh hoạt và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm tạo động lực phát triển bền vững.

Công dân đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh QUANG THỌ)
Bài 1: Hướng đến sự hài lòng của người dân
Vai trò của chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính là rất quan trọng, không chỉ nâng cao hiệu suất làm việc của cơ quan nhà nước mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Nhằm hiện thực hóa tiện ích giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thành phố Hà Nội đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin tiếp tục được duy trì, nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện. Hà Nội cũng ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính theo các ngành, lĩnh vực, bảo đảm thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính.
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các đơn vị trên toàn thành phố đều niêm yết đầy đủ số điện thoại, địa chỉ, email tiếp nhận các phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, để người dân trực tiếp liên hệ khi gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Hà Nội tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính sử dụng xác thực, định danh và chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thành phố Hà Nội cũng triển khai nhiều cửa hàng, đại lý dịch vụ công trực tuyến. Thay vì phải đến các cơ quan hành chính công, người dân có thể đến các cửa hàng, đại lý dịch vụ công gần nhất để thực hiện các thủ tục trực tuyến như đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép, khai sinh, bảo hiểm xã hội, thuế, hộ tịch... Tại đây, đội ngũ nhân viên tại các cửa hàng, đại lý dịch vụ công trực tuyến được đào tạo bài bản, sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người dân cùng hệ thống máy tính, đường truyền internet tốc độ cao và các thiết bị hỗ trợ giúp bảo đảm thực hiện dịch vụ công trực tuyến suôn sẻ.
Không chỉ ở Hà Nội, tại tỉnh Quảng Ninh, địa phương được Chính phủ lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn của tỉnh đạt 99,8% (trong đó hồ sơ giải quyết trước hạn đạt trung bình toàn tỉnh hơn 70% trong 3 tháng đầu năm 2025). Hơn 91,7% số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng qua hệ thống phiếu khảo sát luôn đạt hơn 99,9%.
Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Hải Vân cho biết: “Năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết thủ tục hành chính tăng khi tại trung tâm và các chi nhánh bố trí cố định cán bộ các sở, ngành, phòng, ban thực hiện thủ tục hành chính giải quyết thường xuyên phát sinh các loại giấy tờ, hồ sơ phức tạp”.
Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính vẫn nhiều thách thức đặt ra. Trong đó, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn nhiều bất cập; công tác an ninh mạng, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao; nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.
Ngay tại tỉnh Quảng Ninh, dù đạt nhiều kết quả tích cực khi triển khai hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp, nhưng khi vận hành còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính chưa toàn diện do hệ thống đang trong giai đoạn nâng cấp. Việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính theo nhu cầu của người dân như: Vẽ thiết kế, quy hoạch, kê khai dịch vụ, soạn thảo hợp đồng, làm hồ sơ trọn gói thành lập doanh nghiệp, làm dấu, nộp thuế… chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm, chưa chủ động, tích cực trong cải cách hành chính. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa đạt kết quả như mong đợi; năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; việc đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành còn chậm; chất lượng dịch vụ công trực tuyến chưa cao.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) Phạm Lê Hưng cho rằng, trên thực tế vẫn còn có hồ sơ bị trễ hẹn. Việc giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp có việc còn chưa kịp thời, đòi hỏi cần đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả và rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.
Tại tỉnh Gia Lai, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn bất cập khi chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh còn thấp; trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người dân có máy tính, điện thoại thông minh, hộ gia đình kết nối internet, thiết bị bảo đảm kết nối, sử dụng các nền tảng số còn thấp và chậm được cải thiện.
Mặt khác, chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, kết quả đạt được chưa theo yêu cầu đề ra. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị có nhiều rào cản, vướng mắc, hiệu quả phát huy chưa cao; các cơ sở dữ liệu lớn chưa được xây dựng, chưa cung cấp dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp gây khó khăn trong khai thác, sử dụng.
Ông Nguyễn Xuân Thành, đường Tôn Thất Thuyết, phường Thống Nhất, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) cho biết, mặc dù được số hóa nhưng nhiều thủ tục hành chính có quy trình dài, yêu cầu phải có nhiều loại giấy tờ và chứng từ, nhất là các thủ tục về đất đai, gây không ít khó khăn cho người dân trong việc chuẩn bị hồ sơ.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương cần công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin cho người dân, nhất là về quy hoạch đất đai. Đồng thời, mở rộng cơ hội tham gia giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền... Việc nhận diện và giải quyết những thách thức của chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính là rất quan trọng để đạt mục tiêu cải cách hành chính hiệu quả.
(Còn nữa)
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-trong-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-post877073.html